Nhiều trường đại học hiện nay luôn có chung một câu quảng bá chính là "cam kết 100% sinh viên ra trường có việc làm". Tuy nhiên thực tế nhiều sinh viên tốt nghiệp vẫn không thấy cơ hội nghề nghiệp mà trường tạo ra nằm ở đâu. Nhiều sinh viên chật vật tìm công việc liên quan đến ngành mình học nhưng không có, cuối cùng phải chấp nhận một công việc trái ngành, thậm chí là làm lao động chân tay.
H.K.L. (21 tuổi, sống tại quận Gò Vấp) chia sẻ với báo Dân Trí, sau khi tốt nghiệp ngành Quản trị khách sạn tại một trường cao đẳng. L. cho biết khi vào học, trường cam kết 100% sinh viên tốt nghiệp ra trường đều có công việc làm. Tuy nhiên sau kỳ thực tập tại Phú Quốc, L. cảm thấy mất định hưởng vào tương lai.
L. chia sẻ, chỉ những sinh viên có mối quan hệ thân thiết với thầy cô thì mới được thầy cô hướng dẫn tường tận và chọn được nơi có công việc như ý. Còn những sinh viên nhút nhát như L. nếu không thân quen với thầy cô thì sẽ mãi hoang mang với những thông tin tuyển dụng không rõ thật hay giả.
Chính vì mất định hướng vào tương lai nên sau khi tốt nghiệp, L. làm việc cho một quán cà phê với mức lương từ 6-8 triệu đồng/tháng. Công việc nặng nề, cuộc sống áp lực, đôi khi còn bị quản lý mắng khiến L. không biết phải làm sao.
L. thẳng thắn bày tỏ: "Làm gì có chuyện 100% sinh viên ra trường có việc làm. Bạn bè tôi ai cũng chật vật tự tìm việc, thậm chí còn làm việc chân tay, thời vụ lương thấp để kiếm tiền sống qua ngày. Mặc dù tìm việc là một phần trách nhiệm của mình nhưng cam kết của trường ban đầu đã không rõ ràng, thực tế".
Trường hợp của một sinh viên khác là L.T.P.H. (23 tuổi, sống tại quận 3, TP.HCM) từng học ngành Hướng dẫn viên du lịch của một trường đại học có danh tiếng. Sau khi ra trường, cô cầm bằng tốt nghiệp loại giỏi để làm việc trong một cửa hàng bán nước ép trên địa bàn thành phố.
H. từng kỳ vọng mình có thể tìm công việc đúng ngành nghề nhưng vì lương thấp, áp lực cao nên cô không thể theo đuổi lâu dài. Trong khi đó, trường đại học nơi cô theo học từng cam kết 100% sinh viên ra trường có công việc làm nhưng nó lại là làm phục vụ, công việc bán thời gian để sống qua ngày chứ không liên quan gì đến ngành nghề mình theo đuổi.
Nhiều trường hợp rơi vào cảnh ngộ tương tự khi lúc mới tuyển sinh, nhà trường cam kết sinh viên tốt nghiệp sẽ có công việc làm ổn định đúng ngành nghề. Nhưng thực tế phũ phàng phần lớn mọi người ra trường đều không thể tìm được công việc như mong muốn, cuối cùng phải nộp đơn làm nhân viên phục vụ hoặc tự kinh doanh riêng nếu gia đình có điều kiện.
Ảnh: Tổng hợp