Với sinh viên thì việc chi tiêu thế nào cũng là một trong những bài toán khó khăn bởi các bạn chưa có nguồn thu nhập riêng, một số bạn vẫn còn phụ thuộc vào khoản sinh hoạt phí do ba mẹ chu cấp nên việc chi tiêu sao cho hợp lý cần vô cùng cân nhắc.
Nhiều người quan niệm sinh viên không cần chi tiêu quá nhiều nhưng thực tế có phải như vậy? Bảo Châu - sinh viên năm nhất tại một trường đại học ở TP.HCM cho biết, khi mới làm quen với cuộc sống sinh viên chưa lâu, em đã bị "sốc" vì chi phí tiêu xài nhiều hơn dự kiến. Vì ở ký túc xá và không thể nấu ăn, Châu phải ăn uống toàn bộ ở bên ngoài. Tiết kiệm nhất thì cũng rơi vào khoảng 2 triệu - 2 triệu rưỡi mỗi tháng. "Còn nếu 'tung tăng' ăn uống, cà phê nhiều hơn với bạn bè thì em tiêu ít nhất cũng phải 3 triệu/tháng chỉ cho tiền ăn uống". - Châu cho hay.
Còn với những sinh viên không ở ký túc xá mà thuê nhà trọ bên ngoài thì càng khó khăn hơn. Khánh Duy cho biết mỗi tháng, tiền trọ cùng với chi phí điện nước cũng đã hết gần 2 triệu đồng. Nếu chỉ có số tiền 3 triệu để sinh hoạt ở một thành phố lớn như TP.HCM trong 1 tháng thì sau khi đã giải quyết tiền trọ, số tiền hơn 1 triệu đồng còn lại cũng khá khó khăn cho Duy để vừa ăn uống, vừa chi các khoản xăng xe và chưa kể đến những chi phí phát sinh khác.
Một số sinh viên giải quyết bài toán này bằng cách đi làm. Đến hiện tại, vẫn có rất nhiều công việc phù hợp với sinh viên như làm gia sư, nhân viên part-time ở các quán cafe, quán ăn... Thanh Vy - sinh viên năm 2 cho biết sau khi làm quen với cuộc sống đại học, chủ động sắp xếp thời gian tốt hơn thì cô bạn cũng có thể dễ dàng sắp xếp công việc làm thêm, thu nhập từ 1,5 triệu - 2 triệu đồng/tháng để trang trải.
Mặt khác, dù công việc làm thêm vừa giúp sinh viên có thêm thu nhập, vừa có kinh nghiệm nhưng phải lưu ý rằng các bạn phải tìm hiểu thật kỹ trước khi nhận việc làm thêm để tránh tình trạng lừa đảo hay trục lợi mà mang họa vào thân.
Ảnh: tổng hợp