Thời gian gần đây, công chúng đặc biệt chú ý đến thông tin về một đường dây sản xuất và phân phối sữa bột giả quy mô lớn vừa bị lực lượng chức năng triệt phá. Cụ thể, đường dây này liên quan đến 573 nhãn hiệu và đạt doanh thu lên tới gần 500 tỷ đồng trong vòng 4 năm.
Chị Hoàng Thu Liên (33 tuổi, Hải Dương) đã chia sẻ nỗi hoảng loạn khi phát hiện loại sữa PC100 mà con trai chị đã uống suốt gần 2 năm nằm trong danh sách sữa giả. Với giá 460.000 đồng mỗi hộp, chị đã mua gần 30 hộp cho con. Nhìn lại những tháng ngày con ốm, chỉ có thể dùng vài thìa sữa để cầm cự, chị không khỏi xót xa.
Tương tự trường hợp trên, Chị Trang (Thái Bình) chia sẻ đã mua 4 hộp sữa UniGold – một nhãn hiệu cũng xuất hiện trong danh sách gần 600 sản phẩm bị nghi ngờ là hàng giả. Mỗi hộp có giá 460.000 đồng, được chị mua từ hai cửa hàng khác nhau.
Khi phát hiện sự việc, chị lập tức liên hệ để xác minh. Một cửa hàng đã chủ động liên lạc lại, đề nghị thu hồi sản phẩm và hoàn tiền, kể cả những lon đã qua sử dụng. Tuy nhiên, cửa hàng còn lại lại phủ nhận trách nhiệm, khẳng định sản phẩm họ bán không nằm trong danh sách vi phạm và im lặng sau đó.
Chị kể, trong thời gian dùng UniGold, con chị không có dấu hiệu cải thiện cân nặng nên chị đã đổi sang loại khác. Điều khiến chị trăn trở là việc sữa giả có thể không gây tác hại ngay lập tức nhưng lại tiềm ẩn rủi ro về phát triển lâu dài, đặc biệt với trẻ nhỏ đang ở giai đoạn vàng về thể chất và trí tuệ.
Câu chuyện của chị Lan (Hà Nội) cũng phản ánh mức độ phổ biến đáng báo động của loại hàng hóa này. Sau khi đọc danh sách sữa giả được công bố, chị phát hiện sản phẩm sữa dành cho người bệnh tiểu đường cũng nằm trong diện bị thu hồi. Chị bàng hoàng khi biết người thân mình có thể đã uống phải sản phẩm kém chất lượng trong nhiều tháng liền mà không hay biết.
Biên tập viên Thu Hà cũng từng chia sẻ trải nghiệm đầy ám ảnh khi phát hiện đã cho chồng uống sữa giả trong giai đoạn vừa hồi phục sau ca phẫu thuật não cuối năm 2024. Vốn cẩn trọng trong việc lựa chọn thực phẩm, chị thường ưu tiên những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng.
Tuy nhiên, giữa lúc gia đình rối ren và chịu áp lực tâm lý, chị đã tin theo lời khuyên từ người quen trong bệnh viện, vô tình khiến chồng sử dụng loại sữa không đảm bảo chất lượng ngay trong giai đoạn cần được chăm sóc đặc biệt nhất. Sự việc khiến chị không khỏi dằn vặt và mất lòng tin nghiêm trọng vào thị trường thực phẩm chức năng hiện nay.
Hậu quả của sữa giả không dừng lại ở thiệt hại kinh tế hay uy tín thương hiệu. Đó là sự ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ nhỏ, người già, người bệnh, đây là những đối tượng có sức đề kháng yếu và cần sự chăm sóc đặc biệt.
Người tiêu dùng đang đứng trước thực trạng “thật giả lẫn lộn”, mất phương hướng trong việc lựa chọn sản phẩm an toàn. Thậm chí, nhiều người không còn dám mua sữa trực tuyến hoặc từ các đại lý nhỏ lẻ vì lo sợ bị lừa.