Việt Nam có địa hình sông ngòi dày đặc, là đất nước có nhiều cầu cảng. Ngoài việc nối liền giao thông, những cây cầu này còn là niềm tự hào của người dân địa phương và trở thành điểm du lịch hút khách. Tuy nhiên, một điều mà ít người biết, Việt Nam sở hữu cây cầu có độ dài xếp thứ 2 thế giới, chiếc cầu này đến nay vẫn được dùng để đi lại và luôn nổi tiếng về sự đồ sộ .
Theo đó, Cầu Long Biên của nước ta từng là cây cầu có độ dài xếp thứ 2 thế giới ngay tại thời điểm mới xây dựng. Cầu Long Biên bắc qua sông Hồng, kết nối các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình và Long Biên (Hà Nội). Cầu được xây từ năm 1898 đến năm 1902 bởi công ty Daydé & Pillé và bắt đầu đi vào sử dụng năm 1903. Độ dài qua sông của cầu Long Biên là 2.290m, phần cầu dẫn dài 896m gồm 19 nhịp dầm thép đặt trên 20 trụ lớn. Khi mới hoàn thiện, cầu Long Biên là cây cầu dài thứ 2 thế giới, chỉ xếp sau cầu Brooklyn, bắc qua sông Đông (East-River), New York, Mỹ. Trong thế kỉ XX, cầu Long Biên là một trong số 4 cây cầu lớn nhất thế giới.
Ban đầu, cầu Long Biên được đặt tên theo Paul Doumer, một chính trị gia người Pháp. Ông là người nắm Toàn quyền Đông Dương từ năm 1897 đến 1902. Sau đó, ông lên làm Tổng thống Pháp từ năm 1931 đến 1932. Đến tháng 7/1945, bác sĩ Trần Văn Lai, người giữ chức Đốc lý Hà Nội bấy giờ đã đổi tên cầu Paul Doumer thành cầu Long Biên.
Khi mới xây dựng, cầu Long Biên chỉ được thiết kế cho đường sắt, người đi bộ và phương tiện thô sơ như xe xích lô, xe kéo, xe đạp. Do đó, xe cơ giới chỉ có thể qua sông bằng phà. Cầu mở rộng lần đầu vào giai đoạn 1922 – 1923. Sang năm 1924, cầu Long Biên mở rộng lần 2 và cấm các phương tiện có trọng tải trên 3 tấn. Tốc độ tối đa được khuyến nghị khi di chuyển trên cầu là 15 km/giờ. Đến năm 1937, các ván sàn gỗ trên cầu được thay bằng bê tông cốt thép.
Cầu Long Biên là cây cầu được gọi với danh xưng "chứng nhân lịch sử" của nước ta. Theo đó, suốt giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cầu Long Biên đã phải gánh chịu 2 chiến dịch ném bom quy mô lớn. Trong Chiến dịch Sấm Rền (1965 – 1968), cầu bị máy bay Mỹ ném bom 10 lần, hỏng 7 nhịp và 4 trụ lớn. Trong Chiến dịch Linebaker 2, cầu bị ném bom 4 lần, hỏng 1.500m và 2 hai trụ lớn bị tàn phá. Để chống trả các cuộc tấn công, bộ đội Việt Nam đã mang pháo cao xạ lắp lên các ụ cao của cầu. Nhiều khẩu đội thậm chí còn cắm chốt tử thủ trên cầu 24/24, ăn uống sinh hoạt có người tiếp tế. Trải qua bao thăng trầm của thời gian cùng biến cố lịch sử, cây cầu vẫn hiên ngang và trở thành một trong những biểu tượng của Hà Nội.
Ảnh: Tổng hợp