Vừa qua, vụ việc lực lượng chức năng triệt phá một đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả với quy mô trên toàn quốc đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Theo kết quả phân tích và xét nghiệm, các mẫu thuốc giả thuộc nhóm thuốc đông dược, tuy nhiên trong thành phần lại phát hiện chứa lượng lớn thuốc giảm đau — hoạt chất không được phép sử dụng trong y học cổ truyền.
Vụ án đã gây ra tâm lý hoang mang trong cộng đồng, bởi đây là nhóm hàng hóa liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng.
Tối 18/4, nữ diễn viên Quỳnh Lương đã lên tiếng bày tỏ sự bức xúc khi chính người thân trong gia đình cô cũng trở thành nạn nhân của thuốc giả. Theo chia sẻ, bà ngoại của cô sau khi sử dụng loại thuốc này đã rơi vào tình trạng nguy kịch, hiện phải chạy thận để duy trì sự sống. Gia đình thậm chí đã được yêu cầu ký vào các giấy tờ chấp nhận những rủi ro nghiêm trọng có thể xảy ra trong quá trình điều trị.
Quỳnh Lương chia sẻ: “Nhìn cảnh bà ngoại nửa đêm đi chạy thận, gia đình phải ký cả tá giấy tờ chấp nhận rủi ro có thể xảy ra mà cay. Thay những nạn nhân đã ra đi và những bệnh nhân đang chịu hậu quả những biên thuốc đó được không ạ. Tim, gan, thận hiến cho những người đang thoi thóp giành giật mạng sống đó đi nào”.
Trước đó, diễn viên Quỳnh Lương cũng đã chia sẻ đoạn video dài gần 3 phút lên mạng xã hội, cho biết bà ngoại cô phải nhập viện khẩn cấp sau một thời gian sử dụng thuốc xương khớp không rõ nguồn gốc.
Cô viết: “Lưu ý dành cho tất cả ai đang có người lớn tuổi dùng thuốc nam xương khớp. Bà em nằm viện, sức khỏe suy kiệt vì mấy viên thuốc vớ vẩn đó đây ạ. Có nửa năm thôi mà suy đa tạng luôn á mọi người ơi”.
Do bà ngoại lâm bệnh nặng, nữ diễn viên sinh năm 1995 cùng chồng Tiến Phát đã quyết định rời Trà Vinh ra Bắc sinh sống để tiện chăm sóc và theo dõi tình hình sức khỏe của bà.
Ngày 16/4, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh) vừa triệt phá thành công một đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả với quy mô lớn, hoạt động trên phạm vi toàn quốc.
Trong quá trình khám xét, lực lượng chức năng đã thu giữ gần 10 tấn hàng hóa, bao gồm thuốc tân dược giả và nguyên liệu dùng để sản xuất thuốc giả. Cụ thể, có tổng cộng 21 loại thuốc tân dược và thuốc chữa xương khớp bị phát hiện là giả mạo.
Theo điều tra ban đầu, từ năm 2021 đến thời điểm bị bắt giữ, đường dây này đã tuồn ra thị trường một lượng lớn thuốc giả, với số tiền thu lợi bất chính ước tính lên tới gần 200 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong số 21 loại sản phẩm bị thu giữ, có 4 loại thuốc tân dược giả được làm nhái theo các sản phẩm đang lưu hành trên thị trường, bao gồm: 44 hộp Tetracyclin, 40 hộp Clorocid, 49 hộp Pharcoter và 52 hộp Neo-Codion. Ngoài ra, lực lượng công an còn thu giữ 39.323 hộp gồm 17 loại sản phẩm khác, nghi là thuốc đông dược hoặc các sản phẩm có ghi nhãn sử dụng như thuốc chữa bệnh.
Hiện vụ việc đang được tiếp tục điều tra, làm rõ.