Chiêu trò lừa đảo “siêu giảm giá” mùa du lịch
Nắm bắt thời cơ này, các đối tượng xấu lập ra các hội nhóm, Fanpage giả mạo các resorts, khách sạn nổi tiếng, công ty lữ hành, phòng bán vé máy bay để lừa đảo với chiêu bày bán thanh lý combo nghỉ dưỡng, giá máy bay rẻ. Không ít người đã bị thủ đoạn tinh vi này lừa đảo và chiếm đoạt tài sản.
Chị N.T.M (TP.HCM) chia sẻ nhân dịp nghỉ hè, chị lên kế hoạch cho việc đi du lịch cùng các bé và người thân trong gia đình để giải tỏa áp lực và động viên các con học tốt hơn: “Tôi đã lên mạng tìm kiếm và săn được một gói du lịch giá rẻ, 3 ngày 2 đêm dành cho 6 người giá chỉ vỏn vẹn 6 triệu. Tôi thấy thích nên đã đăng ký và chuyển trước tiền cọc, sau khi nhận tiền thì đối phương cũng biến mất theo”.
Thạc sĩ Lê Văn Cúp - Giảng viên Khoa Du lịch Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, TP.HCM chia sẻ: “Giá trị và chất lượng của một dịch vụ thường đi kèm với giá, chi phí càng cao thì chất lượng dịch vụ càng cao. Chính vì thế những chiêu trò siêu giảm giá để có một chất lượng dịch vụ tốt nhất điều này khó có thể thực hiện được”.
Luật sư Bùi Trọng Hiển - Đoàn Luật sư TP.HCM bày tỏ quan điểm: “Khi tìm hiểu về các dịch vụ du lịch giá rẻ chúng ta sẽ nhận được những yêu cầu như chuyển tiền đóng cọc, tiền thuế, đôi khi lệ phí phải đóng còn cao hơn giá dịch vụ gốc. Chúng ta nên liên hệ các công ty dịch vụ chính thống, những trụ sở có quá trình hoạt động lâu dài, có kinh nghiệm và giấy phép kinh doanh, biên lai minh bạch rõ ràng để có những trải nghiệm và dịch vụ tốt nhất cho người thân và gia đình”.
Mất tiền từ thủ đoạn chuyển tiền nhầm vào tài khoản
Sau khi bị hại nhận được tiền, các đối tượng xấu tiến hành giả danh người thu hồi nợ của một công ty tài chính để liên hệ dọa nạt yêu cầu họ trả lại khoản tiền vừa nhận như một khoản vay với số lãi cắt cổ.
Ngoài ra những đối tượng lừa đảo còn mạo danh người đang sinh sống ở nước ngoài đề nghị muốn nhận lại số tiền mình chuyển nhầm, để trả lại tiền, người nhận phải sử dụng dịch vụ chuyển tiền quốc tế qua một đường link. Sau khi điền đầy đủ thông tin cá nhân vào đường link, toàn bộ số tiền của bị hại trong tài khoản sẽ bị rút hết.
Chị N.N.M.T (TP.HCM) chia sẻ “Lúc đầu tôi thấy nghi ngờ, vì họ buộc tôi phải chuyển tiền bằng cách bấm vào link, tôi không đồng ý, tôi nói tôi sẽ ra ngân hàng chuyển tiền lại. Lúc này họ thay đổi hoàn toàn, ban đầu khóc lóc năn nỉ sau khi nghe tôi nói họ quay sang chửi bớí, nói tôi thất đức, chiếm tài sản của họ. Họ không ngừng gây sức ép, gọi liên tục bằng các số máy khác nhau ép tôi phải trả lại số tiền đó”.
Luật sư Phan Hòa Nhựt - Đoàn Luật sư TP.HCM chia sẻ: “Đối với phương thức chiếm đoạt tài sản như thế này , các nhóm đối tượng xấu này vi phạm vào quy định tại Điều 174 Bộ Luật Hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung 2017 với tội danh là lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với mức hình phạt phụ thuộc vào số tiền mà các đối tượng chiếm đoạt được. Đối tượng có thể bị xử lý cải tạo không giam giữ từ 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Và mức hình phạt cao nhất cho tội danh này có thể lên đến chung thân. Chúng ta cần liên hệ đến ngân hàng hoặc công an địa phương để lập các biên bản ghi nhận số tiền chuyển khoản nhầm vào tài khoản của mình. Từ đó có căn cứ và giải quyết mọi chuyện về sau. Chúng ta chỉ nên hoàn lại số tiền này bằng các biện pháp, pháp lý rõ ràng minh bạch, không nên tự ý chuyển trả lại một cách bình thường”.
Tuyệt đối không chuyển lại tiền cho người lạ khi không có bên thứ 3 làm chứng. Đồng thời tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin bảo mật như mật khẩu truy cập tài khoản, mật khẩu giao dịch một lần. Cảnh giác với các đường link website đăng nhập tài khoản để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Lời Cảnh Báo là một chương trình mang đầy tính thời sự. Bên cạnh việc phản ánh những vấn đề đang được xã hội quan tâm, Lời Cảnh Báo còn cung cấp cho người dân nhiều kiến thức bổ ích về những vấn đề khác nhau trong cuộc sống như: kinh tế, sức khỏe, giáo dục, an ninh, trật tự xã hội…