Theo chia sẻ của ông bố này, cả hai vợ chồng anh đều là cử nhân từ các trường đại học danh tiếng trong nước, và bản thân anh còn sở hữu bằng Tiến sĩ. Mặc dù công việc rất bận rộn, nhưng hai vợ chồng anh vẫn sắp xếp thời gian luân phiên để kèm cặp con trai học tại nhà.
Trong một lần kiểm tra bài tập của con, ông bố bất ngờ phát hiện một bài toán cộng trừ đơn giản mà con anh làm lại bị cô giáo chấm sai.
Đề bài đưa ra hai hình vẽ: một hình gồm 5 bông hoa và một hình gồm 4 bông hoa, câu hỏi là tổng số bông hoa khi cộng lại là bao nhiêu.
Con trai anh sau khi đọc đề đã trả lời: 5 + 4 = 9. Tuy nhiên, cô giáo lại gạch đáp án này sai.
Sau khi đọc đi đọc lại đề bài, ông bố nhận thấy con trai mình không làm sai. Cảm thấy khó hiểu và hơi bực bội, ông quyết định nhắn tin trao đổi với cô giáo.
Lúc này, cô giáo giải thích rằng trong hình không phải là bông hoa mà là các chuỗi hạt, mỗi chuỗi gồm 10 hạt. Vì vậy, đáp án đúng là 50 + 40 = 90.
Tuy nhiên, dù nghe lời giải thích của cô giáo, ông bố vẫn không hài lòng và cảm thấy bực mình hơn. Theo ông, đề bài có vẻ như đang đánh đố và gây khó dễ cho trẻ nhỏ. Hơn nữa, trong đề không có chú thích nào ghi rõ rằng đó là các chuỗi hạt. Nếu đề không rõ ràng như vậy, cô giáo cũng nên linh hoạt khi chấm bài thay vì khắt khe và cho rằng bài làm của con anh là sai.
Sau khi ông bố chia sẻ câu chuyện trên mạng xã hội, nhiều phụ huynh khác cũng bày tỏ sự đồng cảm với ông và cho rằng cách chấm bài của cô giáo là chưa hợp lý.