Thương hiệu thời trang cao cấp của Pháp Christian Dior lại 'ẩn' hình ảnh của hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên - người từng được xem là biểu tượng thời trang mới của khu vực, sau khi cô bị khởi tố.
Việc thương hiệu thời trang cao cấp Dior tiếp tục gỡ bỏ hình ảnh của Nguyễn Thúc Thùy Tiên - Hoa hậu Hòa bình quốc tế năm 2021 khỏi các kênh truyền thông chính thức, ngay sau khi cô bị khởi tố, một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tầm quan trọng của đạo đức người nổi tiếng cùng những rủi ro pháp lý trong quan hệ hợp tác giữa nghệ sĩ và nhãn hàng.
Hợp đồng đại sứ của Thùy Tiên và những ràng buộc đạo đức với nhãn hàng nổi tiếng
Không chỉ riêng Dior, nhiều thương hiệu lớn trong nước và quốc tế đang đối mặt với thách thức tương tự: Làm thế nào để xử lý mối quan hệ truyền thông - pháp lý với những người nổi tiếng là đại diện/đại sứ thương hiệu khi họ vướng vào vòng lao lý? Và đâu là hành lang pháp lý giúp thương hiệu bảo vệ mình trong những tình huống đầy rủi ro như vậy?
Phóng viên Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Thị Thúy Kiều, Giám đốc Công ty Luật TNHH Bắc Nam (Hà Nội), chuyên gia tư vấn pháp luật và tranh tụng trong lĩnh vực hình sự, dân sự và kinh doanh thương mại...
Theo luật sư Nguyễn Thị Thúy Kiều, trong các hợp đồng đại diện thương hiệu hiện nay, một điều khoản rất quan trọng mà các thương hiệu luôn đưa vào chính là điều khoản cam kết về đạo đức và trách nhiệm xã hội. "Đây được gọi là morality clause, tức là điều khoản đạo đức, nhằm bảo vệ thương hiệu khỏi các hành vi hoặc phát ngôn thiếu chuẩn mực của người đại diện có thể làm ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh, uy tín của nhãn hàng", luật sư Kiều giải thích.
Luật sư dẫn chứng một điều khoản mẫu thường gặp trong hợp đồng đại diện thương hiệu quốc tế: "Bên đại diện cam kết không thực hiện bất kỳ hành vi, phát ngôn nào trái pháp luật hoặc vi phạm về đạo đức xã hội, thiếu chuẩn mực, trái tập quán xã hội gây tranh cãi hoặc có khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến danh tiếng của thương hiệu trong mắt công chúng".
Ngoài ra, luật sư Kiều cho biết, nhiều hợp đồng thường quy định rõ quyền của nhãn hàng trong trường hợp người đại diện bị điều tra hoặc khởi tố hình sự: "Trường hợp người đại diện bị điều tra do có đơn thư tố cáo, tố giác về hành vi vi phạm pháp luật hình sự hoặc bị khởi tố bị can thì bên nhãn hàng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng, gỡ bỏ toàn bộ hình ảnh đại diện và yêu cầu bồi thường toàn bộ những thiệt hại thực tế phát sinh đồng thời chịu phạt do vi phạm hợp đồng theo quy định của hợp đồng".
Gỡ hình ảnh khi chưa có bản án: Hợp pháp hay vội vàng?
Trước tình huống hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên bị cơ quan điều tra khởi tố, chưa có kết luận của tòa án, một câu hỏi khác đặt ra là khi thương hiệu chủ động gỡ bỏ hình ảnh đại sứ mà chưa có bản án kết tội từ tòa án, hành động đó có hợp pháp không?
Theo luật sư Kiều, điều này phụ thuộc hoàn toàn vào hợp đồng mà hai bên đã ký kết. Nếu hợp đồng quy định khi người đại diện nhãn hàng bị khởi tố bị can thì bên nhãn hàng được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng, gỡ bỏ hình ảnh... Ngay sau khi nhận được thông tin chính thức về việc khởi tố bị can đối với người đại diện thương hiệu, bên nhãn hàng có quyền gỡ bỏ. Đặc biệt, khi bị khởi tố bị can, bắt tạm giam thì không thể tiếp tục thực hiện được các hoạt động theo hợp đồng đã ký nên việc chấm dứt hợp đồng là điều rất cần thiết đối với bên nhãn hàng để đảm bảo công việc không bị gián đoạn và ảnh hưởng tiêu cực.
Một khía cạnh quan trọng khác là vấn đề bồi thường thiệt hại. Nếu việc khởi tố của đại sứ hoặc đại diện thương hiệu dẫn đến tổn hại nghiêm trọng về mặt hình ảnh uy tín, danh tiếng hoặc doanh thu..., thương hiệu có thể yêu cầu đền bù? Câu trả lời, theo luật sư là, theo quy định của bộ luật Dân sự, Luật thương mại hiện hành và căn cứ những thỏa thuận của hai bên trong hợp đồng đã ký kết thì chủ thương hiệu có thể kiện đòi bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm hợp đồng" luật sư Kiều nhấn mạnh.
Hình ảnh hiếm hoi còn lại của hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên trên trang Miss Grand International
ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH
Ngược lại, nếu thương hiệu tự ý hủy hợp đồng khi không có điều khoản rõ ràng về việc này, có thể bị kiện. "Thỏa thuận đại diện nhãn hàng là thỏa thuận dân sự - kinh doanh thương mại nên nếu có tranh chấp hợp đồng thì một trong các bên có thể khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân hoặc trọng tài thương mại thụ lý giải quyết theo quy định pháp luật, đây là hành xử văn minh", luật sư Kiều nói tiếp.
Gặp rắc rối pháp lý là điều không ai mong muốn, với nghệ sĩ và người nổi tiếng, điều này càng đòi hỏi sự thận trọng cao hơn. Mọi hành vi, phát ngôn hay lựa chọn trong đời sống riêng tư đều có thể trở thành mắt xích làm ảnh hưởng đến cả một chiến dịch truyền thông trị giá hàng triệu đô của doanh nghiệp.