Tại đêm chung kết của một cuộc thi hoa hậu được diễn ra vào cưới tháng 6 vừa qua, thí sinh Nguyễn Linh Chi đã có màn trả lời ứng xử gây ra nhiều bàn luận.
Cụ thể, khi được hỏi: “Nếu trở thành sinh vật biển, bạn chọn trở thành sinh vật gì, tại sao?”, thí sinh này đã cho rằng cô mong muốn được trở thành bạch tuộc nếu bắt buộc phải chọn lựa. Hiện, màn thi ứng xử này nhanh chóng trở thành đề tài gây nhiều tranh luận trên các diễn đàn sắc đẹp.
Mới đây, theo thông tin từ Tuổi Trẻ, đại diện ban tổ chức cuộc thi hoa hậu này đã chính thức lên tiếng trước những tranh cãi xoay quanh câu trả lời ứng xử của thí sinh Linh Chi.
Theo đó, phía ban tổ chức cho rằng, nếu xét theo góc nhìn khoa học thì thí sinh này khá can đảm, thể hiện quan điểm cá nhân cũng như nêu ra ưu điểm của loài bạch tuộc để ứng dụng vào đời sống.
"Nếu bình tâm suy nghĩ kỹ, từ bao giờ bạch tuộc lại thành đại diện của điều xấu hay đó chỉ là biểu tượng qua các câu chuyện cổ tích. Chúng ta dạy trẻ em phải tôn trọng mọi sự sống, bảo vệ hệ sinh thái biển, tôn trọng giá trị riêng của mỗi người mỗi loài, vậy mà lại đem một loài sinh vật được khoa học đánh giá thông minh ra dè bỉu bởi bề ngoài xấu xí của nó”, đại diện ban tổ chức chia sẻ.
Tuy nhiên, đại diện ban tổ chức của cuộc thi hoa hậu này cũng nói thêm, thí sinh Linh Chi dám nghĩ, dám nói lên quan điểm cá nhân nhưng chưa đủ bản lĩnh để phản biện những tranh cãi trái chiều. Do đó, cô được danh hiệu Á hậu 1, trong khi câu trả lời của tân Hoa hậu được ban tổ chức đánh giá là bản lĩnh và tự tin.
Ngoài ra, kết quả chung cuộc của thí sinh này cũng nhận về nhiều ý kiến trái chiều. Phía ban tổ chức cho rằng, việc lựa chọn danh hiệu phụ thuộc vào tổng thể các phần thi với thái độ, phong cách và sự phù hợp của thí sinh với tiêu chí cuộc thi.
Trong câu trả lời của mình, Linh Chi đã giải thích rằng "Bạch tuộc không chỉ nổi bật với những giá trị riêng, sự ngụy trang kỳ diệu mà còn mang giá trị tốt đẹp, giữ cân bằng hệ sinh thái biển. Với tôi, bạch tuộc là biểu tượng của người phụ nữ hiện đại, thông minh, linh hoạt và biết thích nghi trong kỷ nguyên vươn mình. Chúng ta không chỉ cần một người phụ nữ có ngoại hình nổi bật mà còn cần vẻ đẹp từ sâu bên trong, nhân cách thật tốt và mang ý nghĩa cho cộng đồng”.
Sau đó, câu trả lời này nhận về nhiều ý kiến trái chiều từ cộng đồng mạng. Có ý kiến nhận xét cô diễn đạt chưa mạch lạc, sử dụng từ ngữ lúng túng, khiến thông điệp trở nên rối rắm và thiếu thuyết phục. Việc lựa chọn hình ảnh bạch tuộc, vốn được cho là một biểu tượng lạ và khó liên tưởng, cũng gây hoang mang và không dễ dàng chinh phục số đông công chúng.
Ở chiều ngược lại, vẫn có ý kiến nhận xét cách liên tưởng mới mẻ của Linh Chi, cho rằng trong một xã hội ngày càng đề cao sự linh hoạt, đa nhiệm, bạch tuộc hoàn toàn có thể là biểu tượng thú vị cho người phụ nữ hiện đại. Vấn đề chủ yếu nằm ở cách diễn đạt thiếu trọn vẹn, dẫn đến hiệu ứng ngược.
Vụ việc này cũng đã làm dấy lên vấn đề "bội thực hoa hậu", khiến nhiều ý kiến kêu gọi siết chặt quản lý các cuộc thi sắc đẹp. NSND Xuân Bắc, Giám đốc Sở Nghệ thuật Biểu diễn, đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc rà soát và đưa ra các tiêu chí rõ ràng hơn, tập trung vào trí tuệ, nhân cách và những đóng góp tích cực cho xã hội, thay vì chỉ chú trọng hình thức bên ngoài.