Vì vậy, cũng như sông có nguồn, cây có gốc, nhà có nền, đạo đức nghề nghiệp có ý nghĩa là nguồn, là gốc, là nền tảng cơ bản của nghề luật sư. Và trong đó, theo luật sư Vũ Văn Trà thì uy tín và trách nhiệm chính là đức tính hàng đầu cần có của người Luật sư.
Luật sư Vũ Văn Trà, một luật sư trẻ thuộc Đoàn luật sư Thanh Hóa, đang giữ vị trí là Giám đốc công ty luật Sơn Trà luôn khắc ghi suốt đời hành nghề của mình việc tuân thủ các quy tắc đạo đức nghề nghiệp của luật sư bằng việc duy trì và nâng cao uy tín, trách nhiệm của nghề luật sư trong mối quan hệ với khách hàng, đồng nghiệp luật sư và cơ quan nhà nước. Anh chia sẻ rằng: “Bất kể ngành nghề nào cũng có những nguyên tắc riêng, đặc biệt nghề luật sư là một nghề đặc thù khi bảo vệ lẽ phải, lẽ công bằng trong xã hội; quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức; xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam và có ảnh hưởng rất lớn đến xã hội và nhiều khả năng phát sinh các vấn đề đạo đức. Vì vậy, mỗi luật sư trong quá trình hành nghề phải luôn tuân thủ, đề cao Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam để trở thành một luật sư xứng đáng, được khách hàng, xã hội tin tưởng, tôn trọng”.
Với nhu cầu hiện nay, luật sư Vũ Văn Trà tham gia vào nhiều các mối quan hệ: từ quan hệ xã hội, các quan hệ nghề nghiệp, trong đó có các quan hệ tố tụng trong các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, thương mại, lao động, hành chính. Với tư cách là luật sư, anh coi trọng, bảo vệ uy tín chính bản thân bằng việc xây dựng, duy trì giá trị cá nhân, niềm tin của khách hàng và chịu trách nhiệm với kết quả công việc và pháp luật. Điều này đã được quy định tại Mục 3.1 Quy tắc 3 Bộ Quy tắc đạo đức đã nhấn mạnh: Luật sư coi trọng, bảo vệ danh dự, uy tín của đội ngũ Luật sư như bảo vệ danh dự, uy tín của chính mình; xây dựng, củng cố, duy trì niềm tin của khách hàng, cộng đồng xã hội với Luật sư và nghề Luật sư.
Do đó, để xây dựng uy tín nghề Luật sư, tại Mục 3.2 Quy tắc 3 Bộ Quy tắc đạo đức có nêu: Luật sư có nghĩa vụ phát huy truyền thống tốt đẹp của nghề Luật sư; thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn; giữ gìn phẩm chất, nhân cách và uy tín nghề nghiệp; có thái độ ứng xử đúng mực, có văn hóa trong hành nghề và lối sống; xứng đáng với sự tin cậy, tôn trọng của xã hội đối với Luật sư và nghề Luật sư.
Mối quan hệ giữa luật sư và khách hàng theo luật sư Vũ Văn Trà được xem là tiêu chuẩn quan trọng nhất trong Bộ quy tắc. Uy tín, trách nhiệm sẽ được thể hiện qua việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của luật sư đối với khách hàng bằng năng lực và kinh nghiệm chuyên môn, phong cách ứng xử, đạo đức nghề nghiệp và kỹ năng giải quyết vấn đề một cách chuyên nghiệp, nhanh chóng, đúng pháp luật. Ngoài ra, luật sư còn phải tận tâm thực hiện hết khả năng và trách nhiệm với khách hàng trong khuôn khổ pháp luật và đạo đức nghề nghiệp; tuân thủ bí mật của khách hàng; ngăn ngừa các thủ đoạn hành nghề không lương thiện, giải quyết các mâu thuẫn về lợi ích, việc nhận thù lao, v.v.. Bên cạnh đó, luật sư Vũ Văn Trà còn coi uy tín của đồng nghiệp và uy tín của giới là uy tín của chính mình, chỉ có như vậy, người luật sư và nghề luật sư mới thật sự được xã hội yêu quý và được tôn vinh.
Như vậy, luật sư hành nghề với tư cách cá nhân và tự chịu trách nhiệm cá nhân về uy tín nghề nghiệp của mình, với mục tiêu phụng sự công lý, tôn trọng và dựa trên pháp luật thì trước hết phải xuất phát từ một nền tảng đạo đức. Tại Quy tắc 5 Bộ Quy tắc đạo đức có nhấn mạnh: Luật sư có nghĩa vụ tận tâm với công việc, phát huy năng lực, sử dụng kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và các biện pháp hợp pháp để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng theo quy định của pháp luật và Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam.
Luật sư Vũ Văn Trà còn cho biết thêm một trong những trách nhiệm quan trọng của luật sư đó chính là bảo vệ công lý và nhà nước pháp quyền và trách nhiệm trợ giúp pháp lý miễn phí cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn như người nghèo, gia đình chính sách, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, người già, phụ nữ có hoàn cảnh…, trách nhiệm củng cố, giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong giới, cùng nhau góp phần xây dựng đội ngũ luật sư Việt Nam, Liên đoàn luật sư Việt Nam ngày càng lớn mạnh.
Với vai trò, trách nhiệm cao quý của nghề Luật sư để trở thành luật sư chuyên môn cao, xứng đáng với sự tôn vinh xã hội thì trong quá trình hành nghề, ngoài năng lực chuyên môn, người Luật sư cần phải đặt chữ “Tín” và chữ “Tâm” lên hàng đầu, nỗ lực hoàn thiện bản thân, luôn bám sát và tuân thủ các quy định pháp luật cũng như quy tắc đạo đức hành nghề Luật sư.