Ngày nay, việc vệ sinh răng miệng hàng ngày có lẽ là việc làm quá đỗi quen thuộc đỗi quen thuộc đối với mọi người. Từ người già cho đến trẻ nhỏ chỉ vừa vài tuổi đã có thói quen này. Thế nhưng, trong quá khứ, khi mà bàn chải, kem đánh răng hay nước súc miệng vẫn chưa xuất hiện thì vấn đề vệ sinh răng miệng thế nào lại được mọi người vô cùng thắc mắc.
Theo phân tích của các nhà khảo cổ, trong thời kỳ cổ đại và phong kiến ở Trung Quốc, để vệ sinh răng miệng, con người đã dùng những ngón tay chà xát lên răng. Bên cạnh đó, họ cũng sử dụng những cành cây, vải sạch hoặc dược cạo để loại bỏ thức ăn, vết bẩn có ở trên răng.
Hay theo như ghi chép của triều đại nhà Tùy và nhà Đường, người xưa đã sử dụng cành liễu khi mà bàn chải đánh răng vẫn chưa xuất hiện. Theo đó, họ sẽ sử dụng một cành liễu thẳng rồi tạo hình giống dạng bàn chải, ngậm nước trong miệng rồi chà xát từ trong ra ngoài để vệ sinh răng miệng. Ngoài ra, thỉnh thoảng họ cũng sẽ sử dụng thêm bột răng để làm tăng hiệu quả làm sạch.
Theo một số tài liệu khác lại ghi chép rằng, từ thời Xuân Thu, người xưa đã biết sử dụng trà, rượu, giấm hoặc nước muối để súc miệng hàng ngày. Từ thời nhà Tống, bàn chải cũng bắt đầu xuất hiện. Bàn chải thời đó được làm bằng lông đuôi ngựa và gắn lên trên cành cây.
Về kem đánh răng, vì chưa xuất hiện nên người xưa đã sử dụng bột đánh răng được làm từ các loại thuốc bắc như tạo giác, gừng, thăng ma, địa hoàng, hạn liên, hòe giác…
Loại bột này ngoài có tác dụng giúp cho răng miệng được sạch sẽ, thơm tho thì còn có hiệu quả trong việc ngăn ngừa và điều trị một số vấn đề liên quan đến răng miệng như làm dịu cảm giác nóng trong miệng, loại bỏ các vết ố vàng cũng như bảo vệ răng được chắc khỏe.
Trong từng thời kỳ khác nhau thì thành phần của bột đánh răng cũng có những thay đổi nhất định.
Có thể thấy, dù là thời kỳ nào thì việc chăm sóc răng miệng cũng vô cùng quan trọng. Khi chưa phát triển, con người cũng đã có những cách thức vô cùng khéo léo để bảo vệ hàm răng của mình.