Trong suy nghĩ của nhiều người, toán tiểu học chỉ gồm những phép tính đơn giản, ai cũng có thể giải được. Thế nhưng, thực tế cho thấy không ít bài toán tưởng chừng “dễ như ăn kẹo” lại khiến người lớn phải vò đầu bứt tai. Bài toán dưới đây là một minh chứng thú vị cho sự “khó nhằn” ẩn sau vẻ ngoài đơn giản ấy.
Một bài toán đơn giản ở cấp tiểu học đang gây chú ý trên mạng xã hội vì cách chấm điểm gây tranh cãi của giáo viên. Đề bài như sau: “Giá trị của chữ số 2 trong số 524 là?”
Một học sinh đã trả lời: 20. Lý do rất hợp lý: chữ số 2 nằm ở hàng chục, nên giá trị của nó là 2 × 10 = 20. Tuy nhiên, giáo viên không công nhận đáp án này, thay vào đó thẳng tay gạch bỏ và sửa lại là: “số chục”.
Cách chấm điểm này đã làm dấy lên nhiều ý kiến trái chiều từ phụ huynh và cộng đồng mạng. Nhiều người cho rằng học sinh đã hiểu đúng bản chất của “giá trị chữ số”, trong khi cách sửa của giáo viên lại gây nhầm lẫn giữa “giá trị” và “vị trí” của chữ số.
Sau khi thấy cách sửa của cô giáo, phụ huynh đã đăng tải phần bài làm của con lên mạng xã hội để xin ý kiến. Ngay lập tức, đề bài trở thành tâm điểm bàn luận với nhiều ý kiến trái chiều.
Cụ thể, phần chỉnh sửa của giáo viên khiến phụ huynh bất ngờ, bởi học sinh trả lời “20” cho câu hỏi liên quan đến “giá trị của chữ số 2”. Nhiều người ủng hộ đáp án này, cho rằng theo chương trình tiểu học, “giá trị của chữ số” là phép nhân giữa chữ số đó và giá trị vị trí của nó trong số — tức 2 x 10 = 20 là hoàn toàn hợp lý.
Tuy nhiên, không ít ý kiến bênh vực giáo viên, cho rằng đề bài có thể đang yêu cầu học sinh xác định chữ số 2 nằm ở hàng nào, và “số chục” là câu trả lời sát nghĩa nhất trong ngữ cảnh đó.
Tranh cãi chủ yếu xoay quanh cách đặt câu hỏi. Nhiều người đặt vấn đề: Nếu muốn học sinh xác định vị trí, tại sao đề không hỏi rõ ràng “chữ số 2 nằm ở hàng nào”? Việc sử dụng từ “giá trị” – vốn mang nghĩa cụ thể trong toán học – dễ gây nhầm lẫn trong cách hiểu của học sinh.
Ngoài ra, một số ý kiến hoài nghi rằng vụ việc có thể là “dàn dựng” nhằm thu hút sự chú ý, khi hình ảnh được chụp đúng ngay phần gây tranh cãi của bài làm.
Dù chưa thể xác minh thực hư, nhưng rõ ràng bài toán lớp 2 này đã trở thành hiện tượng trên mạng xã hội, thu hút sự quan tâm của phụ huynh, giáo viên và học sinh trong hành trình đi tìm lời giải đúng.