Với sự phát triển không ngừng của đời sống, hệ thống cơ sở hạ tầng ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển chung của nền kinh tế. Để thúc đẩy nền kinh tế và hướng tới phát triển bền vững, việc xây dựng và phát triển các công trình giao thông vận tải đang được đặc biệt chú trọng.
Hiện nay, một số địa phương vẫn còn thiếu nhiều tuyến đường cao tốc, mặc dù có lợi thế về công nghiệp khai khoáng và du lịch, nhưng chưa thể phát triển mạnh mẽ do hạn chế trong giao thương. Nhiều dự án lớn về giao thông đang được triển khai, như sân bay Long Thành, cảng Lạch Huyện, các dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội và TP.HCM, dự án cầu Cửa Lục... Sau khi các công trình được hoàn thành, việc duy trì và bảo trì hệ thống giao thông cũng cần một nguồn nhân lực đủ mạnh.
Với thực tế các dự án giao thông lớn đang phát triển mạnh mẽ, nhu cầu tuyển dụng đội ngũ kỹ sư ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông sẽ ngày càng gia tăng, thu hút sự quan tâm từ nhiều bạn trẻ đam mê lĩnh vực xây dựng và giao thông.
Ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông học những gì?
Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông là ngành học chuyên sâu về thiết kế, khai thác và quản lý các công trình giao thông, thực hiện thi công phục vụ đời sống như: đường bộ, cầu, đường cao tốc, đường hầm, đường sắt, sân bay, cảng… và tất cả các công trình liên quan đến lĩnh vực xây dựng nói chung.
Sinh viên theo học ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông sẽ được trang bị kiến thức nền tảng và chuyên sâu trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông. Đồng thời, các em sẽ có khả năng kiểm tra vật liệu, đánh giá chất lượng công trình, tính toán kinh tế, cũng như kiểm tra an toàn lao động trong xây dựng. Ngoài ra, sinh viên còn phát triển kỹ năng thiết kế công trình để giải quyết các vấn đề giao thông như tắc nghẽn, hệ thống giao thông thông minh và tổ chức giao thông trong các khu đô thị mới.
Hiện nay, trên cả nước có nhiều khoa thuộc các trường đại học và cao đẳng đào tạo ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông. Một số trường tiêu biểu có thể kể đến như: Khoa Kỹ thuật hạ tầng và môi trường đô thị - Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Khoa Công trình - Trường Đại học Thuỷ lợi, Khoa Cầu đường - Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa TP.HCM, Trường Đại học Giao thông vận tải, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Đại học Cần Thơ…
Hầu hết sinh viên theo học ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông sẽ có thời gian học kéo dài 5 năm và nhận bằng Kỹ sư sau khi tốt nghiệp. Tổ hợp xét tuyển ngành này thường bao gồm các khối A00 (Toán, Hóa học, Vật lý), A01 (Vật lý, Toán, Anh Văn), D01 (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh), tùy theo quy chế tuyển sinh của từng trường.
Đặc biệt, tại Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, 25% sinh viên đăng ký sớm và trúng tuyển vào trường sẽ được miễn phí 1 kỳ học. Đồng thời, 50% sinh viên có kết quả học tập tốt nhất sẽ được đảm bảo về cơ hội việc làm sau khi ra trường.
Điểm chuẩn ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông trong khoảng 10 năm qua dao động từ 15 đến 27 điểm. Cụ thể, năm 2024, điểm chuẩn của ngành này tại một số trường đại học như sau: Đại học Giao thông Vận tải cơ sở phía Bắc - 21,15 điểm; Đại học Tôn Đức Thắng - 22 điểm; Đại học Kiến trúc Hà Nội - 21,15 điểm; Đại học Kiến trúc Đà Nẵng - 19,5 điểm; Đại học Mỏ - Địa chất - 17 điểm…
Mức lương hấp dẫn và cơ hội nghề nghiệp cho cử nhân Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông
Nhu cầu về nguồn nhân lực là các kỹ sư, chuyên gia chất lượng cao trong lĩnh vực giao thông, cầu đường ngày càng gia tăng, mở ra nhiều cơ hội cho sinh viên theo học ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông.
Sau khi tốt nghiệp, các cử nhân sẽ có kiến thức vững vàng về các nguyên tắc, giải pháp thiết kế, tiêu chuẩn và yêu cầu kỹ thuật liên quan đến giao thông và thực hành chuyên môn. Các vị trí công việc mà họ có thể đảm nhận bao gồm: Kỹ sư phụ trách thi công, thiết kế, giám sát, nghiệm thu, thẩm định công trình giao thông; Chuyên viên thiết kế, quản lý, tư vấn, điều hành về kỹ thuật xây dựng giao thông; hoặc nghiên cứu về giao thông vận tải.
Nhiều trường cũng có sự hợp tác với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước, giúp sinh viên có cơ hội tìm được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.
Mức lương trong lĩnh vực Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông rất hấp dẫn, tùy thuộc vào từng vị trí và chức vụ. Cụ thể, lương của kỹ sư thiết kế dao động từ 15 - 20 triệu đồng/tháng; chuyên viên giám sát công trình từ 7 - 18 triệu đồng/tháng; kỹ sư cầu đường từ 10 - 15 triệu đồng/tháng; kỹ sư đường sắt từ 15 - 20 triệu đồng/tháng; và kỹ sư hàng không từ 20 - 30 triệu đồng/tháng.
Đối với các chức vụ quản lý cấp cao như giám đốc dự án, giám đốc kỹ thuật, mức lương có thể vượt quá 30 triệu đồng/tháng, tùy vào quy mô của công ty. Để đạt được mức lương hấp dẫn trong lĩnh vực này, nhân viên cần không ngừng nâng cao trình độ, kỹ năng và kinh nghiệm.