Từ ngày 1.7.2025, người dân có thể vào ứng dụng VNeID để xem chi tiết về địa chỉ, quê quán sau khi sáp nhập. Thay vì hiển thị thông tin theo cấu trúc xã/phường, huyện/quận, tỉnh/thành phố như cũ, địa chỉ được chỉnh sửa theo quy chuẩn mới. Sáng cùng ngày, ứng dụng VNeID cũng đã có bản cập nhật phần mềm trên thiết bị di động, bổ sung thông tin và nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng của người dùng.
Trên mạng xã hội, không ít chủ tài khoản đã chụp màn hình giao diện VNeID phần "Thông tin cư trú" và khoe với bạn bè, thậm chí có người để "Công khai" bài đăng để cho thấy sự thay đổi ở mục "Quê quán". Với không ít người ở các địa phương đã sáp nhập và đổi tên, chi tiết "Quê quán" nay đã được cập nhật theo tên mới. Ví dụ, một người sinh ra tại Long An, sáng 1.7, phần thông tin quê quán đã đổi thành "tỉnh Tây Ninh".
T.D (Quảng Ninh), chủ một tài khoản Facebook đăng tải ảnh chụp màn hình có đầy đủ nơi đăng ký khai sinh, nơi thường trú, nơi ở hiện tại, số điện thoại đăng ký căn cước công dân (CCCD), ngày cấp, đặc điểm nhận dạng... lên mạng mà không lường được rằng hành động này có thể vô tình cung cấp thông tin chi tiết cho những kẻ đang muốn "săn" dữ liệu cá nhân. Bài đăng của cô nhận được hàng chục bình luận từ bạn bè, người quen, trong đó có những người cũng vô tư chia sẻ ảnh chụp giao diện thông tin ứng dụng VNeID của mình.
Nhiều người sử dụng internet cũng chia sẻ và hướng dẫn mọi người cách xem thông tin địa phương, quê quán mới, nhưng không có cảnh báo về việc đừng chia sẻ các nội dung, dữ liệu nhạy cảm công khai lên không gian mạng.
Theo một chuyên gia công nghệ, hiện nay có hiện tượng một số người đăng tải hết thông tin cá nhân lên mạng và điều này sẽ tiềm ẩn rủi ro những kẻ lừa đảo tìm tới họ. "Mọi người chia sẻ thông tin về phường thôi là được, không nên để địa chỉ và các thông tin khác", vị chuyên gia cảnh báo.
Trao đổi với Thanh Niên về vấn đề này, chuyên gia an ninh mạng Vũ Ngọc Sơn cũng đồng quan điểm, ông cho rằng việc người dùng hào hứng chia sẻ hình ảnh CCCD lên mạng xã hội sau khi được cập nhật về nơi thường trú mới theo địa giới hành chính mới có thể tiềm ẩn nguy cơ rò rỉ thông tin cá nhân.
Ông Vũ Ngọc Sơn giải thích: "Với sự phát triển của công nghệ nhận diện hình ảnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), các hệ thống có thể tự động phân tích ảnh và thu thập thông tin từ hình ảnh, qua đó có được thông tin về địa chỉ, thậm chí cả số CCCD của người dùng nếu không che kỹ".
Các dữ liệu này có thể được sử dụng để xây dựng hồ sơ cá nhân, phục vụ cho việc giả mạo, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, hoặc mạo danh làm các giấy tờ giả. Do vậy, vị chuyên gia khuyến cáo tuyệt đối không đăng ảnh CCCD, bằng lái, thẻ ngân hàng… lên mạng. Nếu bắt buộc phải chia sẻ, hãy che kỹ các thông tin như số CCCD, địa chỉ, mã QR... đồng thời nên kiểm tra kỹ các quyền riêng tư khi đăng bài và luôn cảnh giác với các liên hệ bất thường sau khi thông tin bị lộ lọt.
Hiện nay, lộ lọt dữ liệu cá nhân và lừa đảo, trục lợi từ thông tin người dùng đang là vấn đề nhức nhối, có dấu hiệu ngày càng tinh vi, nghiêm trọng, tuy nhiên theo đánh giá của Bộ Công an, nhận thức của người dân và doanh nghiệp Việt Nam về bảo vệ dữ liệu cá nhân hiện nay còn rất hạn chế. Nhiều thông tin quan trọng như sinh trắc học, lý lịch, sức khỏe, tài chính vẫn được người dùng công khai trên mạng xã hội, tạo cơ hội cho các chương trình thu thập tự động, làm gia tăng rủi ro lạm dụng dữ liệu cá nhân.