24h
Yeah1 News
NTK Nguyễn Minh Tuấn và 30 ngày hỗ trợ tại Bệnh viện hồi sức Covid-19:

NTK Nguyễn Minh Tuấn và 30 ngày hỗ trợ tại Bệnh viện hồi sức Covid-19: "Tôi khóc khi người thân của bệnh nhân qua đời gào thét trong điện thoại"

30 ngày làm việc tại Bệnh viện hồi sức Covid-19, nhà thiết kế thời trang trẻ Nguyễn Minh Tuấn không khỏi xúc động khi chứng kiến những sự ra đi đầy thương tâm của các bệnh nhân. Họ không có người thân bên cạnh trong cuộc chiến chống chọi lại với Covid-19, cô độc đến phút cuối cùng.

***

Sài Gòn 3 tháng qua thật lạ với sự im ắng, không tiếng còi xe, không còn sự nhộn nhịp đông đúc như thường lệ. Nhưng đằng sau sự yên lặng đó lại cả một cuộc chiến đầy căng thẳng đang diễn ra mang tên "chống Covid-19". Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến tất cả các nguồn lực đều được huy động để tập trung vào công tác phòng chống dịch bệnh, với mục tiêu sớm đưa thành phố trở lại với tình trạng bình thường mới. Giữa thời bình, những lời kêu gọi lên đường hỗ trợ đất nước và người dân lại được hô vang. Với tinh thần của người Việt, những tình nguyện viên ở khắp các độ tuổi, ngành nghề đều sẵn sàng đăng kí ra tuyến đầu chống dịch, hỗ trợ cho đội ngũ y tế và bệnh nhân đang ngày đêm chống chọi với dịch bệnh.

Giữa hàng trăm, hàng ngàn tình nguyện viên đang tham gia chống dịch đó có nhà thiết kế thời trang Nguyễn Minh Tuấn, chàng trai với nhiệt huyết và tinh thần đáng quý, sẵn sàng "xông pha" hỗ trợ ở khu vực đầy nguy hiểm tại Bệnh viện hồi sức Covid-19. Vốn là người làm việc ở lĩnh vực nghệ thuật, quen với váy vóc lụa là và những thứ lấp lánh xa xỉ, nhưng khi Tổ quốc cần, Nguyễn Minh Tuấn sẵn sàng lên đường, gác lại mọi công việc riêng để được đóng góp vào sự nghiệp chống dịch chung của đất nước.

NTK Nguyễn Minh Tuấn và 30 ngày hỗ trợ tại Bệnh viện hồi sức Covid-19:

30 ngày làm việc tại Bệnh viện hồi sức Covid-19 (Thành phố Thủ Đức) là khoảng thời gian đặc biệt và đáng nhớ trong cuộc đời của NTK Nguyễn Minh Tuấn. Chia sẻ về cơ duyên và quyết định tham gia hỗ trợ tại Bệnh viện hồi sức Covid-19, Nguyễn Minh Tuấn bày tỏ: "Tôi và một người bạn tình cờ thấy lời kêu gọi của chùa Giác Ngộ nên 2 đứa đã quyết định tham vào tuyến đầu chống dịch. Những người bạn của tôi cũng có người tham gia công tác hỗ trợ phòng dịch ở vòng ngoài, ít người tham gia và gần gũi với các bệnh nhân nên chúng tôi quyết định đến làm việc tại Bệnh viện hồi sức Covid-19, nơi đang điều trị cho nhiều F0".

Hằng ngày công việc của Nguyễn Minh Tuấn và các tình nguyện viên tại Bệnh viện hồi sức Covid-19 là thu gom rác và dọn vệ sinh phòng ốc, đôi khi là làm vệ sinh cá nhân luôn cho bệnh nhân khi họ không thể tự mình thực hiện được. Cùng với đó là những hỗ trợ về mặt tinh thần cho các bệnh nhân đang chống chọi với căn bệnh nguy hiểm. Theo Nguyễn Minh Tuấn, những lời động viên, an ủi ở thời điểm hiện tại đều rất quý giá khi nhiều người đang phải xa gia đình, người thân để vào đây điều trị bệnh.

"Vì đây là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, các cô chú lao công bình thường họ sẽ sợ và không đảm bảo sức khoẻ để tham gia, nên những người tình nguyện đến để phục vụ. Công tác đầu tiên là vệ sinh, giúp đỡ cho bệnh viện trở nên sạch sẽ. Công việc chính là thu gom rác, lau nhà, lau sàn, dọn vệ sinh là chủ yếu. Tiếp theo nữa là an ủi các bệnh nhân vì khi nhiễm căn bệnh này họ rất lo sợ, không biết được sẽ nguy hiểm đến mức nào, đặc biệt không có người thân bên cạnh nữa, nên nhiều người rất hoang mang.

Hằng ngày tôi động viên an ủi, thăm hỏi bệnh nhân để tinh thần của họ trở nên ổn hơn. Ngoài ra tôi còn giúp đỡ các y bác sĩ và điều dưỡng, thăm chừng các bệnh nhân nếu có trường hợp nào đặc biệt hoặc phát hiện điều gì nguy hiểm đến bệnh nhân thì ngay lập tức gọi bác sĩ. Dù luôn có đầy đủ bác sĩ túc trực nhưng đôi khi mệt mỏi quá họ không để ý hết thì mình cũng phụ để ý bệnh nhân giúp họ.

Một công việc ngoài yêu cầu nữa đó là với những bệnh nhân bị thất lạc người thân khi ở trong bệnh viện, không liên lạc được thì tôi xin thông tin rồi đăng lên trên những diễn đàn. Nếu những ai có nhu cầu tìm người thân tôi sẽ tìm giúp và báo cáo tình hình sức khoẻ về cho gia đình của họ" - Nguyễn Minh Tuấn chia sẻ về những công việc trong Bệnh viện hồi sức Covid-19.

NTK Nguyễn Minh Tuấn và 30 ngày hỗ trợ tại Bệnh viện hồi sức Covid-19: 'Tôi khóc khi người thân của bệnh nhân qua đời gào thét trong điện thoại' - ảnh 1

***

Lần đầu mặc đồ bảo hộ y tế với Nguyễn Minh Tuấn là những khó khăn khi còn nhiều bỡ ngỡ, đặc biệt là cảm giác ngộp thở và bí bách: "Nó rất ngộp và bí, không thể nào thở bình thường được, phải hít sâu để lấy Oxy, không những thế còn các phụ kiện khác như găng tay, tấm che mặt nên khi hoạt động lâu đổ mồ hôi như suối bên trong vậy. Kèm theo đó hơi nóng phả ra làm mờ ở tấm kính che mặt nên không thể thấy rõ để làm việc. Ngoài ra không được đi vệ sinh trong lúc mặc đồ bảo hộ này vì như vậy sẽ rất tốn kém cho nhà nước. Dù rất mệt và bất tiện nhưng phải cố gắng. Lúc mặc đã khó, việc cởi đồ bảo hộ càng khó hơn khi đây là bước rất quan trọng và nguy hiểm nên tất cả mọi người phải làm đúng nguyên tắc theo từng bước. Sau mỗi động tác phải rửa tay, nên tốn nhiều thời gian và gây lo lắng với các tình nguyện viên sau khi làm việc". Thường ngày quen với những công việc thiên về nghệ thuật, chưa từng làm việc trong điều kiện khắc nghiệt như vậy khiến nhà thiết kế trẻ phải nỗ lực cố gắng rất nhiều để bản thân không gục ngã và có thể giúp đỡ được cho nhiều bệnh nhân hơn. 

Trước khi chính thức tham gia hỗ trợ tại Bệnh viện hồi sức Covid-19, Nguyễn Minh Tuấn và các tình nguyện viên có 2 ngày tập huấn online, sau đó được hướng dẫn trực tiếp bởi các điều dưỡng, bác sĩ về các công việc cũng như cách đảm bảo an toàn: "Những công việc được giao của chúng tôi không yêu cầu quá nhiều về chuyên môn cũng như kĩ thuật, chủ yếu là có thể nhớ và thao tác nhanh chóng gọn gàng, đúng yêu cầu của phía bệnh viện. Với những hướng dẫn kĩ lưỡng từ các bác sĩ và điều dưỡng, tôi khá an tâm. Ngoài ra với cá nhân tôi là người có sự tỉ mỉ từ công tác thiết kế thời trang nên việc chăm sóc bệnh nhân một cách kĩ lưỡng sạch sẽ cũng nằm trong bàn tay".

Quyết định đến làm việc tại Bệnh viện hồi sức Covid-19, Nguyễn Minh Tuấn đã chuẩn bị sẵn sàng tâm lý để đối mặt với trường hợp xấu nhất khi bản thân có thể nhiễm bệnh từ các F0. Chia sẻ về điều này, Nguyễn Minh Tuấn cho biết đây là căn bệnh nguy hiểm ai nghe thấy đều sợ, thậm chí còn gây chết người nên cũng có sự dè chừng. Anh tự động viên, trấn an bản thân rằng sẽ không sao, hơn nữa không có bệnh nền, sức khoẻ tốt, thường xuyên tập luyện thể dục thể thao nên sức đề kháng mạnh, có thể đảm bảo được công việc này. 1,2 lần đầu tiếp xúc với bệnh nhân rất hồi hộp nhưng sau đó dần quen, làm đúng các bước bảo hộ, biết được nên tránh điều gì trong quá trình làm việc, đặc biệt mỗi tuần đều được xét nghiệm nên yên tâm hơn.

Nguyễn Minh Tuấn chia sẻ ban đầu anh giấu gia đình chuyện tham gia hỗ trợ chống dịch vì sợ mọi người lo lắng và nếu nói ra sẽ không được đi. Đến khi vào tới bệnh viện rồi mới gọi về nói cho mẹ: "Mẹ tôi rất xúc động, bà đã khóc nhưng trên tinh thần lạc quan, cổ động cho con với sự tự hào khi con có tấm lòng dũng cảm, thiện nguyện giúp đỡ mọi người. Mỗi ngày tôi đều gọi về cho mẹ để bà an tâm. Nói thêm một tí về gia đình thì mẹ của tôi và mẹ của người yêu có liên hệ với nhau để đỡ thấy lo lắng và cầu nguyện cho 2 đứa rất nhiều. Chuyến thiện nguyện này cũng để lại một điều hối tiếc cho tôi khi có thể giúp cho rất nhiều người nhưng lại vô tình khiến mẹ buồn và lo lắng".

NTK Nguyễn Minh Tuấn và 30 ngày hỗ trợ tại Bệnh viện hồi sức Covid-19:

Với Nguyễn Minh Tuấn, 30 ngày tại Bệnh viện hồi sức Covid-19 là hành trình trải qua rất nhiều câu chuyện, buồn nhiều hơn vui. Tại đây, hầu như đều đã nhiễm bệnh, có người còn bị rất nặng, đang giành giật từng hơi thơ, chiến đấu từng giây với bệnh tật. Chứng kiến những hình ảnh đó khiến anh rất buồn và nghĩ về gia đình, những người thân lớn tuổi của mình. Những bệnh nhân vào Bệnh viện hồi sức Covid-19 đa số đều không có người thân bên cạnh để an ủi, hay đơn giản chỉ là một cái nắm tay truyền cho họ động lực, họ phải chiến đấu trong cô độc.

"Có một chuyện như thế này, khi tôi gặp một cô đang điều trị vẫn còn còn tỉnh táo, cô có nói với tôi rằng nếu biết vào đây đau đớn và cô đơn thế này thì đã nguyện ở nhà, dù có ăn muối, nhốt trong phòng cũng chịu chứ không cố đi ra ngoài rồi mắc bệnh.

Hay những lần tôi giúp những người nhà bên ngoài tìm thân nhân là bệnh nhân trong bệnh viện. Có những người họ cung cấp tên tuổi, sau đó tôi tìm thấy và biết được bệnh nhân đó đã qua đời rồi nhưng bệnh viện chưa báo về kịp, điều đó khiến tôi rất buồn và cũng không biết làm sao để báo cho gia đình họ nữa. Khi tôi báo tin buồn cho gia đình, họ gào thét trong điện thoại, điều đó khiến tôi rất đau đớn và đã khóc theo gia đình của họ, thật đáng tiếc" - NTK Nguyễn Minh Tuấn chia sẻ.

Bên cạnh những giây phút căng thẳng, lòng nặng trĩu vì chứng kiến sinh ly từ biệt, Nguyễn Minh Tuấn cũng tìm được nhưng niềm vui trong quá trình làm việc tại Bệnh viện hồi sức Covid-19 khi bệnh nhân bày tỏ sự biết ơn đến và đội ngũ tình nguyện viên đã giúp đỡ họ. Không phải là điều gì quá cao xa, chỉ là một lời cảm ơn ngắn gọn, một món quà bằng tinh thần, một cái đập tay cũng đủ để khích lệ cho nhau giữa những bộn bề lo âu trong cuộc chiến với dịch bệnh.

"Có một số cô bác cảm ơn tôi rất nhiều, còn gọi tôi là bác sĩ Tuấn nữa. Lúc đó tôi nói mình không phải là bác sĩ. Nhưng trong lòng vẫn nổi lên sự tích cực, càng muốn giúp mọi người, cảm thấy nghĩa vụ và trách nhiệm của mình rất lớn khi sự hy vọng đang đặt trên vai.

Đặc biệt, có một bác khi dần hồi phục có xin số điện thoại của tôi nhưng ban đầu tôi từ chối vì cũng chưa làm được gì nhiều. Bác nói cứ cho đi để có đôi lời cảm ơn và muốn gửi đến tôi bài thơ, lúc đó tôi mới đồng ý cho bác số điện thoại của mình. Sau đó bác đã gửi cho tôi bài thơ bác làm khi đang nằm trong bệnh viện. Không chỉ tôi mà các tình nguyện viên khác cũng được bác gửi tặng thơ. Đó là điều động viên tích cực đến với mọi người rất nhiều, tôi hiểu được sự chân thành và lòng biết ơn của bác đó với y bác sĩ và nhà nước" - NTK Nguyễn Minh Tuấn cho biết.

NTK Nguyễn Minh Tuấn và 30 ngày hỗ trợ tại Bệnh viện hồi sức Covid-19: 'Tôi khóc khi người thân của bệnh nhân qua đời gào thét trong điện thoại' - ảnh 2

***

Hiện tại NTK Nguyễn Minh Tuấn đã hoàn thành 1 tháng tham gia hỗ trợ tại Bệnh viện hồi sức Covid-19 và đang tiến hành cách ly trước khi trở về nhà với người thân. Anh cho biết người bạn đi cùng mình vẫn đang ở lại tiếp tục hỗ trợ y bác sĩ, còn mình về trước để hoàn thành các công việc riêng còn dang dở.

"Sau khi kết thúc chuyến hành trình vừa rồi, cảm xúc hiện tại của tôi rất vui vì đã làm được những điều mình suy nghĩ và mong muốn. Đồng thời mục đích ban đầu đặt ra cũng đã thực hiện được. Nhưng kết thúc 1 tháng vừa rồi vẫn có những điều tiếc nuối, tôi vẫn muốn tham gia tiếp nhưng vì công việc của bản thân và những dự định nên không thể tiếp tục được.

Sức khoẻ hiện tại của tôi rất tốt, vì trong quá trình tham gia hỗ trợ phòng dịch cũng thường xuyên tập thể dục cũng như hoạt động nhiều nên sức khoẻ rất đảm bảo. Kèm theo đó có hơi mệt vì ngày đi về được tiêm mũi vắc xin thứ 2 nhưng hiện tại sức khoẻ đã ổn định trở lại và tiếp tục thực hiện những dự định đang ấp ủ" - NTK Nguyễn Minh Tuấn chia sẻ.

30 ngày tham gia hỗ trợ tuyến đầu chồng dịch vừa qua khiến Nguyễn Minh Tuấn hiểu rõ về mức độ nguy hiểm của căn bệnh này. Anh bày tỏ mong muốn người dân hãy nâng cao ý thức phòng dịch, đừng để đến khi mọi chuyện quá muộn có thể sẽ hối hận không kịp: "Qua hành trình vừa rồi tại Bệnh viện hồi sức Covid-19, tôi muốn nhắn gửi rằng khi mọi người ở bên ngoài có thể sẽ không hiểu được căn bệnh này nó sẽ hại sức khoẻ bản thân và nguy hiểm đến tính mạng như thế nào đâu và còn chủ quan. Với tư cách là người đã kề vai sát cánh với bác sĩ cũng như trực tiếp tham gia điều trị cho bệnh nhân F0, đã thấy nhiều thứ đau đớn và kinh khủng, tôi hy vọng mọi người hãy cẩn thận hết sức, tham gia tìm hiểu thêm kiến thức để bảo vệ bản thân cũng như gia dình. Đừng chủ quan vì bất cứ vấn đề gì vì điều có thể dẫn đến những tai hoạ và nguy hiểm không thể lường trước được".