Thông tin liên quan đến vụ việc thương tâm xảy ra trong một gia đình ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang vừa qua khiến dư luận xôn xao. Sáng ngày 14/10, bà P.T.P. (83 tuổi, ngụ xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) đã phát hiện con trai của mình là anh P.V.Y. (45 tuổi) qua đời không rõ nguyên nhân.
Gia đình nghi ngờ nguyên nhân chết là vì bệnh lý nên không báo cơ quan điều tra. Trong lúc tổ chức tang lễ cho anh Y., bà P. được người con gái pha ly sữa 100 ml uống lấy sức vào chiều tối cùng ngày. Không ngờ sau khi uống xong, bà P. có triệu chứng tức ngực, khó thở, nôn ói và qua đời trong vòng 5 phút sau. Người thân cũng cho rằng bà P. mất vì sốc và bệnh lý nên không mảy may nghi ngờ.
Đến ngày 15/10, anh P.M.T. (55 tuổi) - một người con trai khác của bà P. đến nhà phụ làm hậu sự cũng gặp chuyện sau khi uống sữa. Anh đã pha 150 ml sữa cùng loại với sữa của bà P. đã uống. Ai ngờ mới uống 50 ml, anh cảm thấy nhức đầu, chóng mặt, có triệu chứng nôn ói nên gia đình lập tức đưa đến Bệnh viện Triều An - Loan Trâm ở tỉnh Vĩnh Long cấp cứu.
Ban đầu, các bác sĩ chẩn đoán anh T. bị ngộ độc nên chuyển anh lên Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long. Anh T. xuất hiện tình trạng mệt mỏi, suy hô hấp, viêm phổi, ngộ độc không rõ loại gây tổn thương đa cơ quan, hạ kali máu, tăng huyết áp và ngộ độc rượu.
Đến sáng ngày 16/10, nhận thấy tình hình anh T. ngày càng nguy cấp, bệnh viện đã chuyển anh lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Trải qua nhiều ngày điều trị, ngày 20/10, anh T. được xác định đủ điều kiện xuất viện và cho về nhà để tĩnh dưỡng sức khỏe.
Theo TS-BS Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới của Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, việc nhận định độc chất được gấp rút triển khai để có biện pháp can thiệp hiệu quả nhất. Các bác sĩ bước đầu xác định loại độc mà cơ thể nạn nhân nhiễm có độc tính cực kỳ mạnh, không màu, không mùi, không vị và khiến người nhiễm không nhận ra bất thường cho đến khi chất độc phát tán vào trong cơ thể. Ngoài ra, độc chất phải tìm thấy được trên thị trường hay do một vi sinh vật nào đó tồn tại trong sữa tạo ra.
5 loại độc chất được các bác sĩ liệt kê nằm trong diện nghi ngờ cao nhất là Cyanua, nhóm thuốc trừ sâu organophosphate/carbamat, asen, strychnin (bột mã tiền), botulinum. Những chất độc trên đều có khả năng gây tử vong trong thời gian ngắn, có màu trắng, không mùi không vị.
Trong số 5 chất độc này chỉ có nhóm chất độc thuốc trừ sâu là có thuốc giải độc đặc hiệu, còn lại phải điều trị triệu chứng, hồi sức chủ yếu là lọc máu.
Qua quá trình xem xét, các bác sĩ phát hiện bên trong cơ thể bệnh nhân có loại men giảm, phù hợp với tình trạng của người bị trúng độc nhóm thuốc trừ sâu organophosphate. Tuy nhiên, để biết chính xác đó là loại độc gì thì cần phải chờ thêm kết quả từ mẫu sữa mà các nạn nhân đã uống sau khi đem đi xét nghiệm.