Con tàu đến từ Hy Lạp chở theo 70.000 tấn LNG của tập đoàn Shell khởi hành từ Indonesia đã cập bến cảng Bà Rịa - Vũng Tàu (Việt Nam) vào ngày 10/7. Mới đây, cơ quan liên quan cho biết đã hoàn tất mọi thủ tục tiếp nhận số lượng "vàng lỏng" này về kho cảng Thị Vải. Điều này được xem là cột mốc quan trọng đánh dấu bước phát triển của ngành năng lượng xanh tại Việt Nam trong tương lai gần.
Trong Quy hoạch Điện VIII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu có 22.400 MW điện khí LNG, chiếm 14,9% tổng nguồn điện cả nước với công suất lên đến 83,5 tỷ kWh. Hãng thông tấn Sputnik của Nga viết: Việt Nam đã mua lô khí LNG đầu tiên trong lịch sử, đánh dấu sự đổi mới quan trọng trong công nghiệp khí của Việt Nam nói chung và ngành công nghiệp năng lượng nói riêng.
PV GAS là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam được xác nhận có đầy đủ điều kiện xuất, nhập khẩu LNG. Hiện, công ty đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng bao gồm kho chứa LNG giai đoạn 1 với sức chứa 180.000 m3 LNG, đạt công suất tiêu thụ 1 triệu tấn LNG/năm và giai đoạn 2 với công suất dự kiến nâng lên 3 triệu tấn LNG/năm.
Điều này hoàn toàn phù hợp với xu thế chung của thế giới khi trong tương lai không xa, người ta sẽ hướng đến nhu cầu sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng "xanh" và hạn chế năng lượng hóa thạch gây ảnh hưởng môi trường.
LNG hiện nay được xem là nhiên liệu hóa thạch "sạch nhất" thế giới. Chính nhờ quá trình đốt cháy khí tự nhiên không thải muội than, bụi hay khói bẩn. Điện khí LNG ít gặp tình trạng gián đoạn hay phụ thuộc vào thiên nhiên như điện gió, điện mặt trời. Ngoài ra, LNG có thể sử dụng đa dạng các lĩnh vực, ít gây hiệu ứng nhà kính.
Một số tờ báo nổi tiếng thế giới ví cơn sốt LNG hiện nay như cơn sốt vàng vì mức độ quan tâm đặc biệt của các quốc gia dành cho nó. Khoảng 10 năm trước, ngành công nghiệp LNG gần như không tồn tại ở Mỹ, hiện nay, khí đốt hóa lỏng trở thành trụ cột quan trọng cho những nước có ngành kinh tế đứng đầu.
Riêng với Việt Nam, các chuyên gia kinh tế cho rằng việc nhập khẩu LNG mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia. Thông qua các thỏa thuận thương mại, Việt Nam mua LNG với giá cạnh tranh từ những nhà cung cấp quốc tế, giảm chi phí năng lượng, tạo điều kiện phát triển công nghiệp trong nước.
Việc tàu chở 70.000 tấn LNG cập bến Việt Nam đã mở ra quan hệ hợp tác lâu dài với các quốc gia sản xuất LNG hàng đầu thế giới. Còn nhớ năm 1969, Nhật Bản đã đón nhận chuyến tàu chở LNG đầu tiên cập cản. Từ đó đến nay, Nhật Bản trở thành một trong những quốc gia đi đầu về ngành công nghiệp điện khí. Nó giúp đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và ổn định điện năng cung cấp. Các chuyên gia cho rằng, bài học của Nhật Bản sẽ truyền cảm hứng cho Việt Nam trên con đường phát triển công nghiệp năng lượng trong tương lai.
Ảnh: Tổng hợp