Liên quan đến câu chuyện về dân số, theo số liệu của Liên hợp quốc, tính đến ngày 29/6/2023, dân số thế giới là hơn 8 tỷ người, trong đó dân số Việt Nam là 99,69 triệu người, chiếm 1,24% dân số thế giới, đứng thứ 3 ở khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 15 trên thế giới trong bảng xếp hạng dân số các nước và vùng lãnh thổ, với mật độ dân số là 322 người/km2.
Nếu tính đến hết năm 2023, dân số của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 745.096 người và đạt 100.059.299 người vào đầu năm 2024. Cùng số dân số, lĩnh vực kinh tế của Việt Nam cũng có nhiều điều đáng lưu tâm. Vào tháng 4/2023, tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã công bố báo cáo thảo luận về triển vọng kinh tế của khu vực, cho thấy kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,4% trong năm 2023 và tăng lên 6,6% trong năm 2024. Với tốc độ này, Việt Nam tiếp tục dẫn đầu top 5 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.
Mặt khác, trong báo cáo “Triển vọng kinh tế Đông Nam Á, Trung Quốc và Ấn Độ năm 2023: Phục hồi du lịch sau đại dịch”, OECD nhận định thành tích của Việt Nam nhờ vào đầu tư nước ngoài ở lĩnh vực chế tạo (nhất là điện tử, chế tạo máy, dệt may và giày dép), đồng thời được hưởng lợi sau khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phòng ngừa dịch COVID-19. OECD cho rằng, việc kết thúc các chương trình hỗ trợ sau dịch COVID-19 sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam cải thiện tình hình tài chính công, đồng thời cũng khuyến nghị cần phải tiếp tục giám sát chặt xu hướng lạm phát.
Cũng theo OECD, Việt Nam có thế mạnh phong cảnh đẹp, sự đa dạng của các loại hình du lịch dựa vào đời sống cộng đồng. Du lịch di sản, văn hóa và ẩm thực cũng rất có tiềm năng. Thách thức lớn nhất là nâng cao chất lượng hạ tầng, liên kết tốt hơn giữa các tác nhân cung cấp dịch vụ du lịch, mở rộng sự tham gia của cấp địa phương và kiểm soát tốt hơn du lịch ồ ạt tại các khu vực tự nhiên, từ đó góp phần phát triển kinh tế mạnh mẽ.