Trở lại sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cả nước Việt Nam từng bước bắt tay khôi phục công cuộc kinh tế, sản xuất, thương mại. Theo số liệu thống kê của Tổng cục, năm 2022, thu nhập bình quân đầu người đạt 4,673 triệu/người/tháng, tăng 11,1% so với năm 2021. Trong đó, thu nhập ở khu vực thành thị cao hơn nông thôn với mức 5,945 triệu/người/tháng. Trong khi số liệu này ở nông thôn chỉ đạt khoảng 3,864 triệu/người/tháng.
Những người thuộc hộ giàu nhất (20% dân số giàu) có thu nhập trung bình 10,237 triệu/người/tháng, cao gấp 7,57 lần so với người thuộc hộ nghèo chỉ kiếm khoảng 1,352 triệu/người/tháng.
Vùng đất có thu nhập đầu người được ghi nhận với con số cao nhất toàn quốc thuộc về khu vực Đông Nam Bộ. Cụ thể, trong giai đoạn 2018-2022, thu nhập bình quân của người lao động tại Đông Nam Bộ đạt 5,792 triệu/người/tháng và tăng lên 6,334 triệu/người/tháng.
Những khu vực xếp hạng sau lần lượt là Đồng bằng sông Hồng (5,586 triệu/người/tháng), Đồng bằng sông Cửu Long (4,077 triệu/người/tháng), Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (3,967 triệu/người/tháng). Khu vực Tây Nguyên và Trung du - miền núi phía Bắc có thu nhập thấp nhất với bình quân đạt 3,282 triệu/người/tháng và 3,170 triệu/người/tháng.
Sở dĩ khu vực Đông Nam Bộ ghi nhận thu nhập cao nhất Việt Nam, một phần do vị trí địa lý thuận lợi, địa hình thoáng, rộng, diện tích chủ yếu là đồng bằng, có một nửa là bình nguyên, vừa thuận lợi phát triển nông nghiệp, vừa thuận lợi phát triển công nghiệp và đô thị. Ngoài ra, Đông Nam Bộ có hệ thống cơ sở giao thông vận tải, hạ tầng tốt, liên kết với nhiều địa phương khác xung quanh.
Đông Nam Bộ bao gồm TP.HCM và 5 tỉnh trực thuộc là Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó, tỉnh thành có thu nhập trung bình cao nhất toàn quốc là tỉnh Bình Dương với con số lên đến 8,076 triệu/người/tháng. Ngoài ra, khu vực này còn có TP.HCM - nơi được xem là trung tâm lớn nhất cả nước về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, giao thông vận tải... tạo tiền đề và động lực để thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy sự phát triển cho khu vực.
Theo tầm nhìn đến năm 2045, tại Việt Nam, Đông Nam Bộ sẽ trở thành khu vực có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu hiện đại, nhiều trung tâm nghiên cứu đổi mới, sáng tạo, kết cấu đồng bộ, hiện đại... Không những thế, vì là nơi thu hút đầu tư và có nhiều khu công nghiệp nên Đông Nam Bộ có lượng lớn người lao động đổ về, sở hữu nhiều nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học...
Ảnh: Tổng hợp