Còn ít ngày nữa, xuân Giáp Thìn sẽ về trên khắp mọi miền đất nước. Những ngày này, nhiều người vẫn bon chen mưu sinh để có một cái Tết ấm no. Cùng xem qua 4 nghề có thể "hốt bạc" dịp Tết dưới đây.
Đánh bóng lư đồng
Mỗi năm Tết đến Xuân về, nhà nhà lại sửa soạn, trang hoàng bàn thờ tổ tiên thật tươm tất, ấm cúng. Đó cũng là lý do nghề đánh bóng lư đồng trở thành công việc kiếm bộn tiền vì nhu cầu sử dụng dịch vụ cao. Từ độ rằm tháng Chạp, nhiều gia đình đã tranh thủ đem lư đồng ra tiệm đánh bóng sạch sẽ.
Một bộ lư đơn giản cần khoảng 1 tiếng đồng hồ để làm đẹp, tiền công dao động từ 150.000 đến 350.000 ngàn đồng. Đối với những bộ lư có chi tiết và hoa văn phức tạp, người thợ đánh bóng lư đồng tốn nhiều thời gian hơn nên tiền công có khi lên đến 500.000 đến 850.000 ngàn đồng. Nếu làm việc hết năng suất dịp Tết, nghề đánh bóng lư đồng có thể thu về hơn 100 triệu đồng là chuyện thường.
Lư đồng không chỉ là vật trang trí bàn thờ mà còn có giá trị về mặt tinh thần vì nó thường được truyền từ đời này sang đời khác. Vì vậy, người thợ làm công việc đánh bóng lư đồng phải luôn cẩn thận, tỉ mỉ, nếu để hư hỏng thì rất khó để đền bù cho chủ nhà.
Khắc trái cây chưng
Ngoài những loại hoa quả quen thuộc cúng trên bàn thờ ngày Tết, trái cây khắc bao năm qua cũng là một lựa chọn của nhiều gia đình để trang hoàng mâm cúng gia tiên. Dưa hấu là loại trái cây được sử dụng để khắc chữ và hoa văn nhiều nhất.
Được biết, trước đây, nghề khắc trái cây chưng thường được làm hoàn toàn bằng thủ công thông qua bàn tay tỉ mỉ của thợ điêu khắc. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, vì nhu cầu mua trái cây khắc chưng ngày Tết quá lớn nên nhiều người đã mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại để khắc trái cây bằng laser, phương pháp này tiết kiệm được 10 lần so với cách làm truyền thống.
Bởi sự kì công khi hoàn thành 1 quả dưa hấu khắc nên giá bán của nó cũng khá “chát”. Bình thường mỗi quả dưa cân ký chỉ rơi vào khoảng 20.000 đến 30.000 nghìn đồng. Nhưng khi quả đã được khắc chữ hoặc hình ảnh, hoa văn lên thì giá bán có thể lên đến 500.000 hoặc 700.000 nghìn đồng một quả tùy theo cân nặng và mức độ phức tạp của họa tiết trên quả dưa.
Theo những người làm nghề khắc trái cây chưng, loại dưa được chọn để khắc phải là giống dưa An Tiêm, quả tròn, vỏ xanh căng bóng. Mỗi quả dưa khắc chữ có thể chưng Tết từ 20 đến 30 ngày mà không sợ hỏng.
Chở cây cảnh thuê
Tết mà thiếu hoa lá cây cảnh thì mất hẳn không khí mùa xuân, vì lẽ đó, hầu như nhà nào dịp đầu năm cũng chưng vài ba chậu hoa, thậm chí nhiều doanh nghiệp như nhà hàng khách sạn còn trang trí bằng các chậu hoa “khủng”. Nhờ vậy mà nghề chở cây cảnh thuê trở thành công việc bận rộn bậc nhất và kiếm được không ít tiền.
Những phương tiện dùng để vận chuyển cây cảnh có thể là xe máy, xe ba gác, xe ô tô, thậm chí xe cẩu cũng được sử dụng để chở những cây có kích thước lớn. Tiền công cho mỗi cuốc xe chở cây cảnh không hề rẻ. Tùy vào quãng đường xa gần và kích cỡ lớn nhỏ của chậu cây, người chở cây cảnh thuê có thể nhận được số tiền từ 300.000 đến 400.000 nghìn đồng một chuyến, mức thấp nhất cũng phải rơi vào khoảng 200.000 đồng. Đối với những chậu cây quá to phải sử dụng đến xe cẩu để vận chuyển, mức phí phải trả có khi lên đến vài triệu đồng một chuyến.
Vì đây là công việc không đòi hỏi quá nhiều kĩ năng nên hầu hết những người biết lái xe, chủ yếu là đàn ông khỏe mạnh có thể hỗ trợ bưng bê đều làm được. Dịp cận Tết chỉ cần loanh quanh ở các vựa hoa hoặc chợ hoa, người làm dịch vụ chở cây cảnh thuê hoàn toàn kiếm được tiều triệu nếu chăm chỉ.
Thợ làm tóc
Những ngày cuối năm, sẽ không quá khó để bắt gặp cảnh các salon tóc chật kín xe từ trong ra ngoài. Tết là cơ hội để các chị em phụ nữ sửa soạn lại tóc tai thật đẹp để du xuân. Trước nhu cầu quá lớn từ khách hàng, các tiệm tóc thậm chí còn mở làm qua Giao thừa để kịp hoàn thành tóc tai cho khách.
Nhiều chị em tranh thủ làm đẹp cuối năm đều chốt combo đủ các dịch vụ từ cắt tóc, uốn cho đến duỗi, nhuộm,...để có quả đầu ưng ý nhất. Mức giá cắt tóc ở các salon nổi tiếng dao động từ 200.000 đến 300.000 nghìn đồng trên một khách. Các dịch vụ khác đều nằm trong khoảng từ 500.000 đến 800.000 nghìn đồng. Những ngày cuối tuần dịp cận Tết, các salon có thể đón tiếp vài chục khách hàng, tiền công thu về lên đến hàng chục triệu đồng.
Thợ làm tóc có lẽ là nghề “không ế” mỗi dịp Tết đến xuân về, vì thế, đây cũng là cơ hội để nhiều người xin đến các tiệm tóc phụ việc vặt như: quét dọn, xả tóc, sấy tóc, gội đầu,...để kiếm thêm. Riêng các chủ salon ngày Tết gần như phải làm việc từ sáng đến khuya muộn. Đến bữa chỉ có thể ăn vội bánh mì hoặc mì tôm rồi lại tiếp tục “cày cuốc”.
Ảnh: TỔNG HỢP