Điều hòa là thiết bị không thể thiếu đối với mỗi gia đình, nhất là vào thời tiết nắng nóng cao điểm. Tuy nhiên, điều hòa cũng là thiết bị đứng hàng đầu trong danh sách những vật dụng điện gây tốn kém nhất. Nếu sử dụng điều hòa hết mức, mỗi tháng, gia đình có thể phải tốn hàng triệu đồng chi trả cho hóa đơn tiền điện.
Nhiều người quan niệm, để tiết kiệm tiền điện khi dùng điều hòa, chỉ cần bật nhiệt độ cao từ 28 độ trở lên. Tuy nhiên, cách này không hiệu quả hoặc chỉ hiệu quả một phần vì nhiều người không chịu được nhiệt độ quá cao. Dưới đây là 7 sai lầm mà các chuyên gia điện lạnh chỉ ra trong cách người dân dùng điều hòa khiến hóa đơn tiền điện cuối tháng tăng cao:
1. Chọn sai chế độ điều hòa
Mỗi điều hòa đều được thiết kế một bảng điều khiển riêng. Thông thường, người ta thường chọn chế độ Tự động (Auto) để điều hòa tự hoạt động. Một số chế độ khác có công năng đặc thù như Làm mát (Cool), Làm khô (Dry), Chế độ quạt (Fan)... Nếu chọn sai chế độ khi sử dụng có thể khiến điều hòa làm việc nặng nề hơn, gây tiêu hao nhiều điện năng.
Nếu trong trường hợp cần làm lạnh nhanh và giữ nhiệt độ phòng ổn định thì có thể dùng chế độ Làm mát (Cool). Nếu người dùng muốn máy làm lạnh tắt và chỉ sử dụng chế độ quạt gió để căn phòng thông thoáng thì nên chọn Fan.
Chế độ Dry có tác dụng giảm độ ẩm trong phòng, phù hợp với thời tiết mưa gió, độ ẩm ngoài trời cao. Tuy nhiên, chế độ Dry chỉ nên sử dụng từ 1-2 giờ, không nên kéo dài quá lâu vì dễ gây hại cho làn da, làm khô mắt và khô niêm mạc mũi.
2. Mua điều hòa kích thước càng to càng tốt
Tờ Greehouse cho biết, nhiều người có suy nghĩ điều hòa càng lớn thì tốc độ làm lạnh càng nhanh, nhà sẽ càng mát, đỡ hao phí điện năng. Thế nhưng, sự thật hoàn toàn ngược lại. Những chiếc điều hòa có kích thước lớn thường sẽ có công suất cỡ đại, ngốn rất nhiều điện năng và ít loại bỏ hơi ẩm. Vì vậy khi mua điều hòa cần nghiên cứu kỹ diện tích căn phòng và chọn loại thiết bị phù hợp.
3. Đặt cục nóng điều hòa ở sai vị trí
Cục nóng điều hòa không phải muốn đặt đâu là có thể đặt đó. Thông thường, cục nóng điều hòa phải để ở nơi khô ráo, thoáng mát và không chịu sự ảnh hưởng trực tiếp của ánh nắng mặt trời. Trong quá trình tản nhiệt, nếu cục nóng bị mặt trời chiếu vào sẽ dễ làm nóng máy, hư hỏng, thậm chí là phát nổ. Cục nóng điều hòa nên được đặt ở phía Bắc hoặc phía Đông của căn nhà.
4. Để điều hòa hoạt động liên tục 24/7
Trong những ngày nắng nóng cực điểm, nhiều gia đình có thói quen mở bật điều xuyên suốt để làm mát căn phòng. Tuy nhiên, nếu điều hòa làm việc liên tục thì tiền điện sẽ tăng rất cao. Lời khuyên là mỗi khi đi ra ngoài, người dân nên tắt điều hòa để tiết kiệm điện năng hoặc chọn chế độ hẹn giờ tắt điều hòa vào ban đêm khi nhiệt độ ngoài trời hạ thấp.
5. Không dùng điều hòa cùng lúc với quạt gió
Nhiều người cho rằng việc vừa dùng điều hòa và quạt gió là hao phí vì chức năng của 2 thiết bị cũng tương tự nhau. Thực tế, điều hòa và quạt gió có thể bổ trợ cho nhau trong quá trình làm mát căn phòng. Khi mới bật điều hòa, người dùng có thể sử dụng quạt gió để khuếch tán hơi lạnh nhanh hơn. Sau khi căn phòng đã mát mẻ, họ có thể tắt quạt gió và duy trì nhiệt độ điều hòa ổn định.
6. Không bảo trì điều hòa
Tương tự như nhiều thiết bị điện khác, điều hòa cũng cần được bảo trì, kiểm tra thường xuyên. Đặc biệt, việc loại bỏ bụi bẩn ra khỏi thiết bị và đường ống sẽ giúp thiết bị hoạt động tốt hơn. Bảo trì điều hòa thường xuyên cũng có lợi cho sức khỏe của mọi người, nhất là những ai làm việc, sinh hoạt trong phòng máy lạnh.
7. Tắt điều hòa bằng điều khiển
Nếu nghĩ rằng tắt điều hòa bằng điều khiển từ xa đã đủ thì người dân đã hiểu sai. Trên thực tế, điều khiển từ xa chỉ có tác dụng cho thiết bị vào chế độ chờ (standby) chứ không hề ngắt điện của thiết bị. Trong lúc đó, điều hòa vẫn ngốn lượng điện khá cao. Chính vì vậy người dân muốn tiết kiệm điện thì nên ngắt luôn nguồn điện chứ không chỉ tắt bằng điều khiển từ xa.