Wednesday thuộc dòng phim học đường, dành cho tuổi teen đặc trưng Âu Mỹ nhưng lại được thổi vào đó nhiều yếu tố kì bí, kinh dị kèm theo các sự kiện giật gân khiến phim ngay lập tức gây bão từ khi ra mắt. Không chỉ vậy, nhân vật chính Wednesday Addams không ai khác chính là cô con gái rượu của Gia đình Addams (The Addams Family) - một thương hiệu truyền hình nổi tiếng từ lâu đời, mang đậm dấu ấn trong thể loại phim về ma cà rồng, hắc ám.
Phần đầu tiên gồm 8 tập phim với nội dung chính xoay quanh cô nàng Wednesday (Jenna Ortega) 16 tuổi, vì xu hướng bạo lực và cá tính quá mạnh nên bị buộc thôi học nhiều lần, cuối cùng ba mẹ cô bé là Gomez Addams (Luis Guzmán) và Morticia Addams (Catherine Zeta-Jones) đành chuyển con gái về Học viện Nevermore . Đây là nơi dành cho các dị nhân hoặc những học sinh thuộc hàng "đặc biệt" như Wednesday và cũng chính là mái trường xưa của cả hai người họ.
Song song với hành trình khai quật những cái chết ghê rợn, Wednesday cũng không quên lồng ghép nhiều bài học giá trị về cách rèn luyện bản thân qua từng giai đoạn phát triển tâm lý - tình cảm của nữ chính.
Hòa nhập chứ không "hòa tan"
Xuyên suốt phần đầu tiên, từ khi Wednesday nhập học tại Nevermore đến mãi về sau cô bé liên tục nhận được thông điệp phải hòa đồng, thân thiện giống như bạn bè xung quanh nhưng "chị Tư" vẫn thẳng thừng nói không. Điều này hiện hữu rõ nét qua trang phục, khu nghỉ ngơi trong phòng đôi ở ký túc xá, thói quen học tập và làm việc của mình.
Chấp nhận mặc đồng phục nhưng vẫn giữ tông màu trắng - đen riêng biệt. Chuyển vào ký túc xá đã thay đổi nửa gian phòng đang ngập sắc cầu vồng của cô bạn Enid (Emma Myers) dày công chuẩn bị. Đặc biệt, việc kết bạn của cô cũng rất chọn lọc, ngay cả hội kín Nightshades quyền lực và danh vọng cũng không làm Wednesday đếm xỉa.
Hạn chế sự ảnh hưởng của "lời nói sau lưng"
Không chỉ người trẻ mà hầu như ai cũng luôn phải đối mặt với những nghi kị, những lời gièm pha trong cuộc sống và điều này vô hình trung tạo nên áp lực và nặng nề hơn có thể trở thành ám ảnh tâm lý khiến chúng ta tổn thương.
Hãy nhìn vào cách Wednesday thực sự bỏ ngoài tai những lời độc hại đó, thậm chí còn sẵn sàng đối chất nếu có sự bịa đặt. Thậm chí, cô bé không ngại tranh luận với gia đình hay các tiền bối khi cảm nhận được định kiến và sự áp đặt có dấu hiệu đè nén lên mình.
Khi cần giúp đỡ, hãy nói ra
Tưởng chừng như "chị Tư" sẽ đơn phương độc mã mãi mãi như lời nguyền từ tổ tiên Goody Addams mách bảo, Wednesday đã chuẩn bị tâm lý cho cuộc đời đơn lẻ nhưng dần về sau cô bé đã nhận ra khi có những việc vượt khỏi tầm tay thì phải "lên tiếng" nhờ cậy.
Là một cá thể thiên về lý trí cộng thêm sự hiếu thắng của tuổi dậy thì nhưng Wednesday ở tập đầu tiên và những tập cuối đã có sự phát triển mạnh mẽ về cách xử lý vấn đề. Sau nhiều phen sống dở chết dở, cuối cùng cô cũng biết nhờ cậy đến bạn bè hay thậm chí là Hiệu trưởng, Cảnh sát,... để giải quyết vấn đề ngoài tầm kiểm soát của mình. Tinh thần cầu thị bật lên rõ nét, đặc biệt là trong cuộc chiến cuối cùng ở Nevermore .
Thể hiện tình cảm bằng hành động cụ thể
Từ tạo hình đến biểu cảm của Wednesday đều mang đến sự lạnh lùng, hắc ám và không cả nể ai. Đương nhiên, tính cách của một chị đại tồn tại trong cô cũng rất mạnh. Chính vì vậy mà đâu đó ở cô người xem sẽ nhìn thấy tính khí đôi lúc ương ngạnh, đôi lúc giả vờ lạnh lùng và thờ ơ với những người xung quanh vì sợ phải "thân thiết" hơn.
Tuy nhiên, từ cách chăm sóc Tyler, nỗ lực cứu Bàn tay (Thing), đỡ tên cho Xavier hay cái ôm cuối phim dành cho bạn cùng phòng Enid đã minh chứng "chị Tư" tuy hay nói lời cay độc nhưng thật ra lại khá ấm áp và có bản năng bảo hộ cao. Chúng ta có thể không cần nói lời cay độc như Wednesday mà chỉ cần hành động thực tế nhiều hơn lời hoa mỹ.
Biết sai, nhận sai và phải nỗ lực sửa đổi
Trong suốt chặng đường theo đuổi cái bản thân xem là sự thật, Wednesday đương nhiên không khỏi mắc sai lầm, liên tục gây tổn thương cho những người xung quanh bằng suy nghĩ cố chấp và có phần ương ngạnh của tuổi niên thiếu. Chắc hẳn ai đã và đang trải qua độ tuổi dậy thì sẽ dễ dàng nhìn thấy mình trong đó. Vì vậy, bài học khá đắt mà cô nàng nhận được qua lời trách móc, sự bỏ mặc hay thậm chí là sự phản bội niềm tin cũng như lời nhắc nhở người xem rằng có những lúc ta phải biết nhận định mình đã sai.
Không chỉ khoa trương bằng lời xin lỗi, Wednesday còn chỉ ra rõ ràng khi ta sai, ngoài việc nhận lỗi với đối phương thì chúng ta còn cần hơn nhiều cố gắng để sửa chữa sai lầm, tránh mắc lại và phải không ngừng cải thiện đến khi vấn đề trở nên tốt hơn.
Tóm lại, Wednesday tuy mang nặng hơi thở kinh dị, máu me nhưng lại vẫn là một bộ phim thuộc thể loại học đường và hướng đến khán giả chính là người trẻ. Như vậy, việc đặt để những thông điệp tưởng chừng đã cũ và đơn giản nhưng lại là thực tế khó chấp nhận và thay đổi trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta.
Thanh Trúc