Tử Cấm Thành hay có tên gọi khác Cố Cung là một trong những di sản lớn nhất của Trung Quốc. Tử Cấm Thành có diện tích lên đến 720.000 m2 với hơn 800 cung điện lớn nhỏ khác nhau, 980 dãy nhà và 9.999 căn phòng được chia thành 2 phần là Tiền triều và Hậu cung.
Tam Đại điện ở Tiền triều là nơi hoàng đế làm việc, chiếm 1/10 tổng diện tích cung lên tới 150.000m2. Với quy mô hoành tráng, nhưng khi bước chân vào trong, nhiều du khách ngạc nhiên khi thấy không có bóng dáng bất cứ cây xanh nào. Trong khi đó, các khu vườn ở hậu cung, vườn ở cung Từ Ninh, vườn Càn Long vẫn có cây cối xanh tốt.
Nguyên nhân chính của việc "xóa sổ" cây cối ở đây được các nhà sử học cho rằng xuất phát từ một vụ ám sát Hoàng đế thời nhà Thanh. Mặc dù lời giải cho điều này vẫn là ẩn số, người đời sau đã đưa ra 4 giả thuyết dưới đây.
1. Tôn lên vẻ uy nghi của triều đình
Theo một số thông tin, người xưa quan niệm vua chính là người có quyền lực cao nhất trong triều, vì thế mọi thứ xung quanh đều phải thấp hơn vua để đảm bảo sự tôn nghiêm, uy quyền. Do vậy cây xanh bị chặt hết.
Đặc biệt, khi bước vào từ cổng Thiên An Môn, không gian rộng lớn không một bóng cây sẽ tạo bầu không khí nghiêm nghị. Vì vậy, quan lại khi đi trên con đường này, chỉ nhìn thấy những mái nhà cao, sẽ sinh ra những áp lực và sợ hãi, để một lòng tôn thờ hoàng đế. Ngoài ra, cây xanh còn thu hút nhiều chim chóc và những loài động vật khác, làm mất vẻ tôn nghiêm của triều đình.
2. Đề phòng thích khách
Lý do thứ 2 để không trồng cây xanh trong tam đại điện là để triệt tiêu chỗ ẩn nấp cho kẻ gian, thích khách. Vào năm Gia Khánh thứ 18, triều nhà Thanh (1813), một nhóm phiến quân nổi loạn đã bí mật tấn công Tử Cấm Thành qua cổng Đông Hoa Môn và Tây Hoa Môn. Nhóm một tiến vào cổng Tây Hoa, nhóm còn lại đi theo cổng Đông Hoa. Nhưng chỉ 50 tên lọt vào cổng Tây Hoa. Do bị đánh úp bất ngờ, thị vệ hoàng cung trở tay không kịp, chạy về cổng Long Tông. Khi đó, quân nổi loạn áp sát cung Càn Thanh cũng chính là nơi ở của vua Gia Khánh.
Tuy nhiên, cánh cổng ở đây đã đóng kín, nên những tên thích khách đã trèo lên cây lớn xung quanh, cắt cành và chuẩn bị phóng hoả trạm gác tại cổng này. Lúc này, Hoàng đế Gia Khánh đang đi tránh nóng ở ngoài Bắc Kinh nên may mắn thoát khỏi đại họa. Mặc dù thất bại, cuộc tấn công của phiến quân đã gây ra những bất an cho hoàng đế Gia Khánh. Ông ra lệnh đốn hạ toàn bộ số cây xanh bao quanh 3 đại điện lớn trong Tử Cấm Thành. Kể từ đó, cây xanh hoàn toàn vắng bóng tại những khu vực này, nhằm tránh để thích khách lợi dụng trèo vào với mưu đồ xấu.
3. Đề phòng hỏa hoạn
Xuyên suốt chiều dài lịch sử nhà Thanh và nhà Minh, ba cung ở Tam Đại điện liên tiếp có hỏa hoạn và phải đổi tên nhiều lần. Cây xanh trong cung có thể hút sét, khiến lửa lan rộng và khó khống chế hơn khi có hoả hoạn. Vì lý do này, trong Tử Cấm Thành cũng có nhiều bể chứa nước lớn để dập lửa.
4. Yếu tố phong thủy
Từ thời nhà Thanh, nhiều người cho rằng cây xanh (mộc) sẽ tương khắc với khu vực sảnh (thổ). Chính sự đối nghịch này nên nhà Thanh không khuyến khích trồng cây ở các cung cũng như đại điện. Từ lâu cây xanh được cho là thứ tối kị, có ý nghĩa không mấy tốt đẹp nên dường như không được trồng nhiều ở các khu vực trong Tử Cấm Thành.
Tuy nhiên trong Tử Cấm Thành vẫn có khu vực xuất hiện cây xanh nhiều nhất đó là vườn Thượng Uyển. Nơi đây có nhiều cây, hoa phục vụ vua và hậu cung thưởng lãm. Còn lại những nơi khác đa phần đều bị cấm trồng cây. Ngày nay khi phục vụ những nhu cầu về du lịch và không còn bị ảnh hưởng bởi những quan niệm thời xưa, cây xanh đã được trồng nhiều hơn trong khuôn viên Tử Cấm Thành.