Lau dọn bàn thờ đón Tết là một việc làm rất quan trọng vào những ngày cuối năm, chuẩn bị đón một năm mới tốt đẹp. Hành động lau dọn bàn thờ không những thể hiện được sự tôn kính, lòng biết ơn của con cháu đối với các vị Thần linh, tổ tiên của mình mà còn là phong tục cầu may cho một năm mới hạnh phúc, bình an, công việc như ý, sức khỏe dồi dào…
Bên cạnh đó, việc lau dọn bàn thờ sẽ loại bỏ những điều không vui, không hay của năm cũ và mang đến một năm mới tràn đầy hứng khởi, nhiều may mắn. Do đó, hành động lau dọn bàn thờ rất quan trọng và cần được thực hiện một cách tỉ mỉ, kĩ càng. Trước khi lau dọn bàn thờ, chủ nhà nên vệ sinh, tắm rửa để cơ thể sạch sẽ, lựa chọn trang phục lịch sự, chỉn chu.
Ngoài ra, những vật dụng dùng để lau dọn cũng nên được vệ sinh sạch sẽ và chỉ sử dụng để lau dọn bàn thờ. Đặc biệt, có thể một số người không biết, không phải loại nước nào cũng phù hợp để lau dọn bàn thờ. Cụ thể, ta nên tránh sử dụng 4 loại nước này để lau dọn bàn thờ trong dịp cuối năm:
Nước lã
Rất nhiều người dùng nước lã để lau bàn thờ vì tiện lợi và loại sạch bụi bẩn nhanh chóng. Tuy nhiên, quan niệm phong thủy cho rằng nước lã không thể rửa trôi đi các tạp chất của năm cũ, càng không thể mang lại sự thanh tịnh xung quanh khu vực thờ cúng.
Các loại dung dịch tẩy rửa
Mặc dù những loại dung dịch tẩy rửa như xà phòng, nước rửa chén, bột giặt… loại bỏ bụi bặm hiệu quả, ngay cả những vết bẩn cứng đầu, nhưng chúng không nên được dùng để lau dọn bàn thờ. Lý do là vì các loại dung dịch này có tính tẩy rửa mạnh, sẽ ảnh hưởng đáng kể đến các vật dụng thờ cúng.
Nước rượu tỏi
Là một loại gia vị nổi tiếng với tác dụng xua đuổi tà ma, nên nhiều gia chủ thường hay đặt một đĩa tỏi lên bàn thờ Thần Tài. Tuy nhiên, việc dùng rượu pha với nước tỏi để lau bàn thờ là điều không nên. Vì cả rượu và tỏi đều có tính nóng, khi kết hợp hai loại này lại sẽ vô tình gây ảnh hưởng đến chất lượng của các vật dụng bằng gỗ.
Nước rượu gừng
Ngoài nước rượu tỏi, nước rượu gừng cũng có tính nóng và không phù hợp để lau dọn bàn thờ.
Ảnh: Tổng hợp