Những vụ cháy nhà cao tầng với thiệt hại lớn về người và tài sản để lại những mối lo ngại. Trong tình huống không may xảy ra hỏa hoạn, người dân cần nắm những cách thoát hiểm cơ bản để chủ động thoát khỏi đám cháy. Biết cách thoát nạn an toàn sẽ giúp nâng cao cơ hội sống sót cho bản thân, trước khi nhận được sự hỗ trợ từ lực lượng chức năng.
Cháy nhà cao tầng gây những thiệt hại lớn về người và tài sản
Tuyệt đối không chạy vào nhà vệ sinh
Bộ Công an khuyến cáo trong trường hợp có cháy, người dân tuyệt đối không được chạy vào nhà vệ sinh vì rất dễ bị ngạt khói và lửa thiêu khi đám cháy lan ra toàn bộ ngôi nhà.
Khi có cháy, nên xả nước từ vòi nước trong nhà vệ sinh, nhà tắm để nước tràn ra ngoài, chảy xuống các tầng dưới giúp ngăn chặn nguy cơ cháy lan. Tuy nhiên khi xả nước cần lưu ý cắt cầu dao tổng để tránh bị điện giật do nước làm chập các thiết bị điện.
Tuyệt đối không được chạy vào nhà vệ sinh khi có cháy (Ảnh minh họa)
Đồng thời sử dụng nước làm ước các vật dụng như quần áo, chăn, màn...che chắn mũi miệng để tránh bị ngạt khói trong quá trình di chuyển thoát nạn.
Tuyệt đối không sử dụng thang máy
Lối thoát nạn hữu hiệu nhất khi cháy nhà cao tầng là cầu thang bộ bên trong hoạt bên ngoài tòa nhà, tuyệt đối không được sử dụng thang máy để di chuyển. Hệ thống điện cung cấp cho thang máy có thể bị mất và dừng đột ngột, người mắc kẹt bên trong có nguy cơ bị lửa hoặc khói tác động dẫn đến tử vong trong thời gian ngắn.
Mỗi tòa nhà cao tầng thường sẽ có bảng hướng dẫn thoát hiểm bằng cầu thang bộ, khi có cháy hãy di chuyển ra khu vực này để thoát đến khu vực an toàn. Đồng thời khi có cháy hãy nhấn nút báo cháy, chuông báo cháy để thông báo cho mọi người kịp thời biết thoát nạn.
Thang máy là hình thức di chuyển tuyệt đối không an toàn khi xảy ra hỏa hoạn (Ảnh minh họa)
Không được vội vàng nhảy từ trên tầng cao xuống
Trong vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân (TP. Hà Nội) mới đây, nhiều người dân đã nhảy từ trên tầng cao xuống để thoát thân, dẫn đến chấn thương và đa chấn thương. Đây là cách không được khuyến khích mà là giải pháp sau cùng khi không thể thoát khỏi đám cháy.
Người dân nên nhảy từ trên cao xuống khi thấy đã đảm bảo được an toàn ở một mức độ như có đệm hơi, các phương tiện bảo hộ được lực lượng chức năng triển khai bên dưới. Hoặc độ cao có thể đảm bảo được tính mạng. Bộ Công an nhấn mạnh nhảy từ tầng cao là giải pháp cuối cùng, được thực hiện khi quan sát cân nhắc kỹ khi không còn phương án nào khác.
Nhảy từ trên cao xuống là phương án cuối cùng nếu không còn cách nào khác (Ảnh minh họa)
Bình tĩnh thoát hiểm, không chen lấn xô đẩy và hãy hỗ trợ trẻ em, người già, phụ nữ mang thai
Trong quá trình thoát nạn, người dân cần bình tĩnh, cố gắng hỗ trợ lẫn nhau, đặc biệt là giúp đỡ người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai. Không nên chen lấn, xô đẩy có thể dẫn đến những tình huống nguy hiểm khác.
Quá trình di chuyển thoát hiểm đảm bảo an toàn cho bản thân và cố gắng giúp đỡ mọi người xung quanh trong khả năng có thể, hạn chế tối đa thiệt hại về tính mạng.
Bình tĩnh trong quá trình thoát hiểm và giúp đỡ những người xung quanh (Ảnh minh họa)
Trang bị thang dây, liên hệ nhanh chóng với số điện thoại khẩn cấp 114
Đối với người ở nhà cao tầng, nên trang bị thang dây đề phòng trường hợp có hỏa hoạn có thể chủ động thả thang leo xuống phía dưới nhờ trợ giúp. Trong vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội vào tối 12/9, một gia đình nhờ thang dây đã thoát hiểm an toàn khỏi đám cháy từ tầng 3.
Nên trang bị thang dây khi ở nhà cao tầng đề phòng trường hợp có cháy (Ảnh minh họa)
Song song với đó khi phát hiện có cháy hãy gọi ngay lập tức vào số 114 để lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH kịp thời tiếp cận hiện trường hỗ trợ. Cùng với đó di chuyển ra vị trí cửa sổ, ban công hô to, dùng áo, khăn, vật sáng như đàn pin, đèn flash điện thoại vẫy gọi thu hút sự chú ý để được cứu nạn kịp thời.